Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2015 tổ chức thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 16/CT-UBND
Ngày ban hành 17/11/2015
Ngày có hiệu lực 17/11/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Phạm Đình Cự
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Phú Yên, ngày 17 tháng 11 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2015/NĐ-CP NGÀY 09/6/2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP;

Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, Hội, Đoàn thể Tỉnh và các địa phương phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Yên:

- Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân nắm bắt, hiểu rõ các nội dung mới của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay các lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách cho vay phục vụ chương trình nông thôn mới, các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, xác nhận, tổng hợp số liệu đề nghị khoanh nợ, xóa nợ của các tổ chức tín dụng đối với trường hợp khách hàng bị thiệt hại về tài sản do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng để tham mưu cho UBND Tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính.

- Chủ trì, phối hợp trong công tác thanh tra, giám sát việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định.

- Tổng hợp báo cáo kết quả; theo dõi và phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý các vấn đề phát sinh; phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cho các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

- Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới (chi nhánh, phòng giao dịch) đến địa bàn nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn;

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Rà soát, thực hiện quy hoạch và bổ sung quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với điều kiện của Tỉnh.

- Tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó chú trọng các chính sách khuyến khích triển khai phát triển các mô hình hợp tác, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt là các dự án ưu tiên đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp.

- Hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tập huấn, hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, giống, bảo quản thu hoạch, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thông tin về thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

- Chủ trì tham mưu cho UBND Tỉnh thông báo tình hình thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng làm căn cứ để kiểm tra, tổng hợp trình Chính phủ khoanh nợ, xóa nợ theo quy định.

3. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn việc không thu lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

- Tham mưu UBND Tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp.

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tỉnh kiểm tra, xác nhận, tổng hợp số liệu đề nghị khoanh nợ, xóa nợ, làm căn cứ để UBND Tỉnh trình Chính phủ quyết định khoanh nợ, xóa nợ theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch nguồn vốn ngân sách hàng năm, đầu mối khai thác nguồn vốn trong và ngoài nước để ủy thác cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn qua các tổ chức tín dụng.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp, bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, trang trại, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn.

6. Sở Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển hệ thống phân phối trong khâu tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Tư pháp:

Nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng, đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu công chứng của tổ chức và cá nhân.

[...]