Chỉ thị 16/CT-UBND về tập trung triển khai giải pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả heo Châu Phi và phòng chống dịch bệnh động vật cuối năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Số hiệu | 16/CT-UBND |
Ngày ban hành | 25/09/2018 |
Ngày có hiệu lực | 25/09/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Định |
Người ký | Trần Châu |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UBND |
Bình Định, ngày 25 tháng 9 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN BỆNH DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT CUỐI NĂM 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh Dịch tả heo Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số heo buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Cũng theo OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 09/9/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con heo các loại buộc phải tiêu hủy.
Nguy cơ bệnh Dịch tả heo Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ heo và các sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi heo với số lượng lớn; thông qua các hoạt động thương mại, du lịch với nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh là rất cao. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết những tháng cuối năm 2018 có nguy cơ xảy ra phức tạp, ảnh hưởng sức đề kháng bệnh cho động vật nuôi trên địa bàn tỉnh dễ dẫn đến nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe con người và gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Trước tình hình nêu trên, để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, ngăn chặn không để bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra và lây lan trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai thực hiện Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chăn bệnh Dịch tả heo Châu phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch khi đưa vào địa bàn tỉnh, đặc biệt nghiêm cấm việc đưa heo con từ các tỉnh phía bắc về nuôi tại các huyện trong tỉnh với mọi hình thức.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các ban ngành liên quan:
a. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn, nhất là tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh lân cận; nếu phát hiện heo nghi mắc bệnh Dịch tả Châu phi, heo chết không rõ nguyên nhân hoặc heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, các trường hợp vận chuyển, bán chạy gia súc mắc bệnh, phải kịp thời báo ngay với cơ quan thú y để phối hợp kiểm tra, lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật); đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh.
b. Tổ chức triển khai Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ heo và các sản phẩm của heo bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 30 tháng 10 năm 2018.
c. Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ heo; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán heo, các sản phẩm của heo và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút Dịch tả heo Châu Phi.
d. Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống...); vận động người chăn nuôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y.
đ. Triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho gia súc đợt 2/2018 bắt đầu từ ngày 01 đến ngày 30/10/2018, đảm bảo tỉ lệ theo quy định; đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật mùa mưa bão và phòng chống đói rét mùa đông sắp đến, vận động người chăn nuôi tiêm phòng tốt các bệnh đỏ trên heo như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, E.coli …; hạn chế sự xâm nhập và phát triển các bệnh truyền nhiễm khác như heo tai xanh (PRRS), dịch tả heo Châu Phi. Cân đối kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật tại địa phương nhất là công tác tiêm phòng.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a. Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của bệnh Dịch tả heo Châu Phi để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm của heo nhập lậu vào trong tỉnh tiêu thụ; không mua bán heo, sản phẩm của heo không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y, chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
b. Tăng cường giám sát tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn; bắt buộc các cơ sở chăn nuôi, nhất là tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh, các địa phương có chăn nuôi heo với số lượng lớn, thực hiện nghiêm việc báo cáo tình hình dịch tễ theo định kỳ, nguồn heo xuất, nhập đàn phải thực hiện đúng quy trình kiểm dịch. Xử lý theo quy định đối với trường hợp nhập heo không rõ nguồn gốc vào các cơ sở chăn nuôi. Thông tin đến các cơ sở chăn nuôi về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học.
c. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghị nhập lậu, vận chuyển trái phép từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh; các loại heo phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ heo hoặc trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt heo đông lạnh, thịt heo tươi, giăm bông, xúc xích,...;
d. Khi phát hiện có bệnh Dịch tả heo Châu Phi phải báo cáo ngay cho UBND tỉnh, đồng thời báo cáo Cục Thú y; dừng việc vận chuyển và xử lý ngay heo, sản phẩm của heo, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi đã xác định dương tính với bệnh Dịch tả heo Châu Phi theo đúng quy định của Luật Thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thú y.
đ. Khẩn trương xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm địa bàn” theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
e. Tham mưu thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả heo Châu Phi và phòng chống dịch bệnh động vật cuối năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
g. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vật tư, vắc xin phục vụ tiêm phòng gia súc đợt 2/2018, tổ chức lấy mẫu giám sát kết quả tiêm phòng văcxin LMLM gia súc, Cúm gia cầm sau tiêm phòng và giám sát chủ động trong tác phòng chống dịch bệnh động vật cuối năm 2018. Tăng cường kiểm tra hoạt động phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, đảm bảo đúng quy trình kiểm dịch theo quy định.
4. Sở Công Thương thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt heo và các sản phẩm thịt heo để có giải pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường trong tỉnh; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt heo và các sản phẩm thịt heo trái phép.
5. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi nắm tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
6. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông vận chuyển heo và các sản phẩm của heo ra vào tỉnh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ.
7. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phòng chống, ngăn chặn bệnh Dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh; đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí trong trường hợp phát hiện heo, các sản phẩm của heo dương tính với bệnh Dịch tả heo Châu Phi và buộc phải tiêu hủy.
8. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả heo Châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của bệnh, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh và gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương chủ động, tham gia cùng chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật nói chung và Dịch tả bệnh Châu phi nói riêng có hiệu quả.
10. Đề nghị các tổ chức, hội đoàn thể tăng cường vận động, tuyên truyền hội viên nhận thức đúng về an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, chấp hành tiêm phòng và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn người tiêu dùng không sử dụng thịt và các sản phẩm động vật khác khi chưa rõ nguồn gốc và không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y; phối hợp phát hiện và báo ngay cho chính quyền địa phương những trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này; trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.