Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2022 về tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Số hiệu | 15/CT-UBND |
Ngày ban hành | 07/10/2022 |
Ngày có hiệu lực | 07/10/2022 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Yên |
Người ký | Đào Mỹ |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND |
Phú Yên, ngày 07 tháng 10 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HIỆU QUẢ, CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC MẦM NON, PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch năm học an toàn, linh hoạt, chất lượng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em, học sinh hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo.
b) Tiếp tục rà soát , thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục và đào tạo theo đúng định hướng, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh. Hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục; quan tâm phát triển trường, lớp ở các khu công nghiệp; khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập; bảo đảm trẻ mầm non, học sinh tiểu học được học 02 buổi/ngày; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tổ chức sơ kết, đánh giá báo cáo UBND tỉnh kết quả việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tại các địa phương.
c) Duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học; thực hiện phân luồng học sinh theo đúng định hướng của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, nhất là tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn, thương tích, bạo lực học đường trong các nhà trường và đảm bảo an toàn cho học sinh trong các hoạt động chính khóa, ngoại khóa; quan tâm định hướng, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật; triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học; thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhất là tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế.
d) Triển khai tự chủ hoặc tự chủ một phần ở một số cơ sở giáo dục theo lộ trình đề ra nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục tại những nơi có điều kiện thuận lợi, phù hợp.
đ) Thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; đồng thời có giải pháp phù hợp giải quyết khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện rà soát vị trí việc làm, đề xuất cơ chế, chính sách phân bổ số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc thẩm quyền quản lý.
e) Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đăng ký chỉ tiêu đào tạo với Bộ Giáo dục và Đào tạo để bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của tỉnh.
g) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về thu, chi, quản lý, sử dụng và công khai tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học, các khoản vận động đóng góp xã hội hóa, không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng cường quản lý, sử dụng sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục; hoạt động dạy thêm, học thêm; quản lý cấp phép, tổ chức hoạt động của các hoạt động giáo dục trải nghiệm, đào tạo kỹ năng sống,…
2. Sở Nội vụ: Trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, môn học, thực hiện rà soát cơ chế, chính sách phân bổ số lượng người làm việc phù hợp, hiệu quả. Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên theo đúng quy định.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo: căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí ngân sách nhà nước, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu, đề án, dự án đã được phê duyệt để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.
4. Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giáo dục.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh; từng bước bảo đảm trẻ em mẫu giáo dưới 5 tuổi được đến trường, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
b) Tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, kiểm tra các dự án khu dân cư mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập ở các khu vực đông dân cư.
c) Thực hiện tuyển dụng số lượng người làm việc được giao nhưng chưa tuyển dụng và số lượng người làm việc được giao bổ sung theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương và các hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời có giải pháp phù hợp giải quyết khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý. Thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức cần có các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương.
d) Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung được quy định tại Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non và Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 11/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định chi tiết một số chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
đ) Tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh đến trường.
e) Huy động các nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu, đề án, dự án đã được phê duyệt để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục theo phân cấp. Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã , phường, thị trấn nâng cao trách nhiệm, phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả kế hoạch, nhiệm vụ năm học và nhiệm vụ phát triển giáo dục của địa phương theo đúng quy định, hướng dẫn của ngành Giáo dục và Đào tạo.
g) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan chức năng tại địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.
Đề nghị Thủ trưởng các các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện theo quy định./.
|
KT. CHỦ TỊCH |