Chỉ thị 1495/CT-UBND năm 2020 tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát sông, cát núi) trên địa bàn tỉnh An Giang
Số hiệu | 1495/CT-UBND |
Ngày ban hành | 29/06/2020 |
Ngày có hiệu lực | 29/06/2020 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh An Giang |
Người ký | Trần Anh Thư |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1495/CT-UBND |
An Giang, ngày 29 tháng 6 năm 2020 |
Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản (cát sông, cát núi) trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến nhất định; đã đáp ứng cơ bản nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh, giải quyết một phần việc làm cho người lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn; nhiều loại phương tiện (ghe, sà lan, xe cuốc, xe tải) khai thác trái quy định vào ngày nghỉ, ban đêm; còn tình trạng bãi, vựa kinh doanh, tàng trữ khoáng sản (cát sông, cát núi) trái quy định; một số tổ chức được cấp phép khai thác, nạo vét chưa đúng quy định, sai vị trí được cấp phép, báo cáo giám sát môi trường định kỳ chưa đầy đủ các thông số chỉ tiêu; công tác đo đạc, lập bản đồ hiện trạng khu mỏ, báo cáo hoạt động khoáng sản định kỳ chưa nghiêm túc; ở một số địa phương công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được chú trọng; việc phối hợp kiểm tra giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản của một số địa phương chưa được quan tâm; sự phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản chưa sâu rộng trong nhân dân; chưa phát huy hết vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức đoàn thể đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kiên quyết; lực lượng cán bộ quản lý khoáng sản thiếu về số lượng, chuyên môn, năng lực quản lý còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
a) Xây dựng kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý đối với các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản được quy định tại Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2018 và Quyết định số 1697/QĐ-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong đó, cắm mốc, lắp đặt pa nô công khai khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác và tuyên truyền trên Đài truyền thanh cho nhân dân biết để giám sát. Triển khai thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các huyện thuộc địa phương khác trong khu vực giáp ranh địa giới hành chính; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản để quản lý và thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
b) Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận tin xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, thực hiện xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản (cát sông, cát núi) trái quy định pháp luật, nếu để tiếp tục tái diễn tình trạng nêu trên thành điểm nóng, gây bức xúc trong nhân dân thì xử lý trách nhiệm ở mức cao hơn, đồng thời xem xét, luân chuyển, bố trí công tác khác.
c) Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản (cát sông, cát núi); lập điểm giám sát 24/24 những nơi thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản (cát sông, cát núi) trái quy định pháp luật; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; trường hợp vượt thẩm quyền thì chuyển vụ việc vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản trong cán bộ, nhân dân tại địa phương.
d) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hoạt động khai thác, kinh doanh, tàng trữ khoáng sản (cát sông, cát núi) thực hiện ngay các công việc sau:
- Xây dựng Quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với nhân dân nhằm phát huy vai trò giám sát địa bàn của nhân trong trong việc hỗ trợ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác, kinh doanh khoáng sản (cát sông, cát núi) trái phép; nếu người dân phát hiện vi phạm, nhanh chóng cung cấp thông tin kịp thời cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để kiểm tra, xử lý; chính quyền địa phương có trách nhiệm thông báo công khai kết quả đã kiểm tra xử lý. Quy chế này phải được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và phải được đa số người dân đồng thuận trước khi tổ chức thực hiện.
- Đối với những địa bàn thường xuyên có phương tiện khai thác (cát sông, cát núi) trái quy định pháp luật vào ban đêm, ngày nghỉ hoặc giáp ranh địa giới hành chính nhiều xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đó phải xây dựng Quy chế phối hợp giữa các xã với nhau và có kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện lập điểm giám sát 24/24 để kịp thời phát hiện vi phạm. Trường hợp phát hiện phương tiện vi phạm thì không phậm biệt địa giới hành chính giữa các xã, phường, thị trấn hoặc huyện, thị xã, thành phố khi có yêu cầu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải hỗ trợ nhau. Trường hợp, cần được hỗ trợ thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện hỗ trợ cho cấp xã để giải quyết dứt điểm, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức được cấp phép khai thác, nạo vét có thu hồi khoáng sản (cát sông, cát núi) tổ chức họp dân nơi được cấp phép để thông báo đầy đủ nội dung giấy phép cho nhân dân biết và giám sát; đồng thời thông báo trên Đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn nội dung giấy phép được cấp.
- Tổ chức kiểm tra rà soát, thống kê phân loại cụ thể các phương tiện vận chuyển, khai thác cát hiện có trên địa bàn (xác định số lượng phương tiện, trọng tải, tên và địa chỉ của chủ phương tiện, giấy tờ đăng ký, đăng kiểm phương tiện); điều tra, thống kê cụ thể số lượng các điểm, bãi, vựa kinh doanh cát sông, cát núi để xác định cụ thể số lượng, diện tích đất sử dụng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (mục đích sử dụng đất) phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện được phê duyệt; giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, tình trạng đăng ký kinh doanh và kê khai nộp thuế, nguồn gốc khoáng sản (cát sông, cát núi). Đồng thời, rà soát yêu cầu các điểm, bãi, vựa kinh doanh cát sông phải tuân thủ quy định tại Điều 10 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
đ) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã, thành phố tham mưu cân đối ngân sách hàng năm để mua sắm trang thiết bị, phương tiện, phân bổ kinh phí hoạt động cho Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản (cát sông, cát núi) trái phép trên địa bàn quản lý.
e) Định kỳ 06 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này và các Văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 10 tháng 6 đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 10 tháng 12 đối với báo cáo năm. Đồng thời, hàng năm tổ chức sơ kết để đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát sông, cát núi) và đề ra phương hướng hoạt động cho năm tiếp theo. Trong đó, chú trọng công tác khen thưởng để động viên các tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ, kể cả người dân cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về hoạt động khai thác khoáng sản (cát sông, cát núi) trái phép trên địa bàn quản lý.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:
a) Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra các địa bàn có đơn tố cáo vượt cấp hoặc có tin báo của người dân về hoạt động khai thác khoáng sản (cát sông, cát núi) trái quy định pháp luật. Qua đó, thực hiện vai trò giám sát đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm; trường hợp cần thiết thì tiến hành kiểm tra trách nhiệm đối với Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện các Văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đối với địa phương đã được nhắc nhở hoặc kiểm tra trách nhiệm mà còn phát sinh đơn tố cáo vượt cấp hoặc tin báo thông qua đường dây nóng về hoạt động khai thác khoáng sản (cát sông, cát núi) trái quy định pháp luật, nếu qua kiểm tra, xác định nội dung đơn tố cáo hoặc tin báo đúng sự thật thì báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý trách nhiệm.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản cho các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.
c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện và các Sở, ngành tỉnh thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về kết quả quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản (cát sông, cát núi) trái quy định pháp luật; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Hướng dẫn doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản cát sông lắp đặt camera giám sát, thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện được phép khai thác và trang bị máy kết nối với thiết bị của các doanh nghiệp để lưu trữ dữ liệu, nhằm xác định phương tiện được cấp phép hoạt động trong hay ngoài khu vực được cấp phép, giám sát thời gian khai thác và là cơ sở giám sát trữ lượng khai thác.
Khi tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông và trong lòng hồ phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định tại Điều 9, Điều 15, Điều 16 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
3. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, yêu cầu các phương tiện có lắp đặt các thiết bị bơm hút (sà lan, ghe…) thực hiện đăng ký, đăng kiểm đúng quy định (nếu không đăng ký, đăng kiểm thì yêu cầu cam kết phải tháo gỡ thiết bị bơm hút). Đồng thời, nghiên cứu yêu cầu các phương tiện này phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý.
4. Sở Tài chính: Theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm bố trí các khoản chi cho kế hoạch mua sắm trang thiết bị, phương tiện cần thiết cho các Đoàn (Tổ) kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện và xã để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản (cát sông, cát núi) trái quy định pháp luật.
5. Cục Thuế tỉnh: Tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế, phí và lệ phí đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ tài nguyên khoáng sản; kiên quyết xử lý đối với các công trình tiêu thụ khoáng sản (cát sông, cát núi) trái quy định pháp luật, trốn thuế.