Chỉ thị 14/GD-ĐT năm 1996 về nhiệm vụ năm học 1996-1997 của các ngành học, bậc học: Giáo dục mần non, giáo dục phổ thông; giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 14/GD-ĐT
Ngày ban hành 03/08/1996
Ngày có hiệu lực 03/08/1996
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/GD-ĐT

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ NĂM HỌC 1996-1997 CỦA CÁC NGÀNH HỌC, BẬC HỌC: GIÁO DỤC MẦN NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN.

Năm học 1995-1996, năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) về "tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo", đã hoàn thành thắng lợi.

Cùng với sự ổn định về chính trị xã hội và tăng trưởng kinh tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển mới. Tốc độ phổ cập giáo dục và xoá mù chữ tăng nhanh hơn nhiều so với những năm học trước. Quy mô giáo dục ở các cấp học, bậc học, ngành học mở rộng rõ rệt, đặc biệt số học sinh THCS tăng nhanh ở tất cả các địa phương. Chất lượng giáo dục có chuyển biến đáng khích lệ; tỷ lệ lưu ban, bỏ học giảm; hiệu quả đào tạo ở các cấp học, bậc học tăng. Cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học được cải thiện; các tỉnh và nhiều huyện miền núi có trường nội trú cho con em người dân tộc. Các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền ngày càng quan tâm hơn, các đoàn thể và nhân dân ngày càng tham gia tích cực vào việc phát triển giáo dục, góp phần huy động các lực lượng xã hội đóng góp nguồn lực cho giáo dục.

Tuy nhiên, trong công tác giáo dục và đào tạo vẫn tồn tại nhiều yếu kém, nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường; các hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, thi và cấp văn bằng; sự phân hoá về điều kiện học trong các tầng lớp nhân dân v.v...

Năm học 1996 - 1997, năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, là năm học tiếp tục đổi mới theo phương hướng được xác định qua các Đại hội VI, Đại hội VII, Đại hội VIII, và Hội nghị Trung ương 4 (Khoá VII) là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết TW2 (Khoá VII) về giáo dục - đào tạo, sẽ tiến hành sắp tới. "Phướng hướng chung của lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong 5 năm tới là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, có việc làm; khắc phục những tiêu cực, yếu kém trong giáo dục và đào tạo" (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá VII tại Hội nghị VIII của Đảng). Phương hướng đó đã được cụ thể hoá trong chương trình 7 - Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo trong Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII, xuất phát từ hiện trạng thành công và yếu kém của sự nghiệp GD-ĐT sau 10 năm đổi mới, nhất là trong năm học 1995 - 1996 vừa qua, nhiệm vụ chung và cụ thể của giáo dục năm học 1996 - 1997 là:

I. NHIỆM VỤ CHUNG:

Năm học 1996 - 1997 là năm học rất quan trọng, nhiệm vụ của ngành ta là huy động lực lượng toàn ngành, phát huy trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, các cấp Chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp, khơi dậy trong nhân dân tinh thần hiếu học và ý chí tiến thủ, vượt qua khó khăn và thách thức, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được đề ra cho các bậc học trong năm học: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả đi đôi với khắc phục những tiêu cực, yếu kém trong giáo dục và đào tạo, cải thiện điều kiện đi học của con em các gia đình chính sách, gia đình nghèo, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý giáo dục, tạo tiền đề cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của chương trình phát triển giáo dục và đào tạo ở những năm tiếp theo.

Việc thực hiện nhiệm vụ chung nêu trên đòi hỏi phải thấu suốt các tư tưởng chỉ đạo dưới đây:

1. Thực hiện đồng thời ba mục tiêu về giáo dục: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Xây dựng các phương thức thích hợp và có hiệu quả cho việc thực hiện từng mục trên. Tạo chuyển biến rõ rệt trong việc đào tạo bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2. Kết hợp đồng bộ việc phát triển sự nghiệp giáo dục với việc tập trung giải quyết những tiêu cực nhằm tạo được chuyển biến rõ nét về trật tự kỷ cương trong hoạt động giáo dục. Củng cố, triển khai và tiếp tục đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết tốt hơn vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục.

3. Huy động nguồn lực kết hợp với sử dụng nguồn lực một cách tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả để phát triển sự nghiệp giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, động viên các lực lượng kinh tế và xã hội đóng góp cho giáo dục tham gia xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, phát động thành phong trào người người học tập, người người tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục.

4. Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hoá và dân chủ hoá giáo dục, đi đôi với việc ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực gây ra bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Tiến tới xây dựng một chuẩn kiến thức và một chuẩn đánh giá thống nhất cho mọi loại hình giáo dục. Có chính sách giúp đỡ hướng dẫn phát triển và quản lý tốt các trường, lớp bán công, dân lập, tư thục. Tiếp tục thúc đẩy cuộc vận động "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm".

5. Xây dựng phương pháp kế hoạch hoá giáo dục theo dự báo, kết hợp mở rộng quy mô với bảo đảm cơ cấu hợp lý: cơ cấu giữa các bậc học phù hợp với yêu cầu nâng cao mặt bằng dân trí; cơ cấu giữa các ngành học nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực theo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, theo các địa chỉ và hợp đồng đào tạo; cơ cấu giữa các vùng nhằm vừa phát huy được lợi thế, hạn chế sự yếu kém của từng vùng, vừa tránh chênh lệch quá xa về nhịp độ phát triển giáo dục giữa các vùng. Tích cực xây dựng hệ thống trường chất lượng cao các bậc học.

6. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục - đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước công tác giáo dục và đào tạo trong toàn quốc. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW chịu trách nhiệm trực tiếp về sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại địa phương mình.

Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên môn và thanh tra quản lý. Xây dựng nền nếp quản lý ngành từ Bộ đến từng trường theo Nghị quyết 38/CP ngày 4/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính.

Cải cánh chế độ thi và cấp phát văn bằng nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, chính xác, khắc phục các phiền hà và tiêu cực.

7. Trên cơ sở tổng kết 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo, đúc rút các bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; khẩn trương đào tạo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đạt chuẩn về chất lượng; đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp, sớm xoá tình trạng học ca 3, tiêu chuẩn hoá trường học; tăng cường cơ sở vật chất, trang bị sách giáo khoa, bảo đảm kịp thời và đủ sách cho các vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Chăm lo cải thiện môi trường sư phạm trong nhà trường, đẩy mạnh trồng cây bảo đảm nhà trường sạch đẹp, chăm lo nước uống cho học sinh, củng cố và mở thêm các trường nội trú, bán trú, KTX nội trú bên các trường phổ thông để tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc, học sinh diện chính sách, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, được đi học.

8. Xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và Luật giáo dục nhằm thể chế hoá tư tưởng chỉ đạo: "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", cùng các quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước.

9. Coi trọng và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời giới thiệu những đổi mới và thành tựu trong công tác giáo dục và đào tạo, giúp các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá đúng hiện trạng và thấu hiểu các chủ trương, tham gia xây dựng sự nghiệp GD-ĐT.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ.

1. Giáo dục Mầm non

- Củng cố hệ thống nhà trẻ - mẫu giáo, trường mầm non hiện có, phát triển trường lớp của GDMN trên cơ sở bảo đảm CSVC nuôi dạy và đội ngũ giáo viên. Nâng dần tỷ lệ trẻ từ 3-5 tuổi được tới trường lớp, đặc biệt ưu tiên thu hút trẻ 5 tuổi. Phấn đấu có trên 30 tỉnh thành đạt trên 80% trẻ 5 tuổi đến lớp, các tỉnh còn lại trên 60%.

- Xã hội hoá mạnh mẽ GDMN, khuyến khích phát triển các loại hình trường lớp dân lập, tư thục, nhóm trẻ gia đình theo quy chế của Bộ.

- Mở rộng xây dựng trường trọng điểm có chất lượng cao cấp tỉnh, huyện.

- Bảo đảm các trường đều thực hiện đúng chương trình của Bộ đã ban hành. Thực hiện tốt các chuyên đề Bộ đang chỉ đạo thực hiện.

[...]