Chỉ thị 136-NCPL thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về phòng, chống và kiểm soát ma tuý; về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm do Toà án nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | 136-NCPL |
Ngày ban hành | 11/03/1993 |
Ngày có hiệu lực | 26/03/1993 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân tối cao |
Người ký | Phạm Hưng |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội |
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 136-NCPL |
Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 1993 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TUÝ; VỀ NGĂN CHẶN VÀ CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM
Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 6-CP ngày 29/1/1993 "về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý" và Nghị quyết số 5-CP ngày 29/11/1993 "về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm". Để góp phần có hiệu quả vào việc thực hiện các Nghị quyết đó của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao lưu ý các Toà án các cấp một số vấn đề như sau:
1. Khi xét xử các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, các Toà án cần thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư liên ngành số 7-TTLN ngày 5/12/1992 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc áp dụng Điều 96a và Điều 203 Bộ Luật Hình sự.
Đối với vật chứng là thuốc phiện và chất ma tuý khác, tại điểm c mục 1 Nghị quyết số 6-CP ngày 29/1/1993 của Chính phủ đã nêu rõ: "Tiêu huỷ các sản phẩm là thuốc phiện và các chất ma tuý khác thu được". Vì vậy, từ nay trở đi, khi xét xử sơ thẩm các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, Hội đồng xét xử cần quyết định tiêu huỷ số vật chứng là thuốc phiện và các chất ma tuý khác theo quy định ở khoản 1 và khoản 2 Điều 58 Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Những Toà án hiện đang giữ thuốc phiện và các chất ma tuý khác là vật chứng trong các vụ án đã được xét xử, cần tổ chức tiêu huỷ số thuốc phiện và các chất ma tuý đó.
Việc tiêu huỷ thuốc phiện và các chất ma tuý khác cần được tổ chức chu đáo, phải lập biên bản, mở niêm phong, cân đo lại vật chứng, phải có sự chứng kiến của các cơ quan công an, Viện kiểm sát. Trường hợp niêm phong bị vi phạm, vật chứng bị mất hoặc thiếu hụt phải làm biên bản chặt chẽ và có biện pháp xác minh làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm để xử lý cho nghiêm minh.
Ngoài việc trừng trị nghiêm khắc những tên buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý, cần xử phạt nghiêm khắc những tên tổ chức dùng chất ma tuý.
2. Về việc xử lý các hành vi mại dâm
Nghị quyết số 5-CP ngày 29/11/1993 của Chính phủ đã nhấn mạnh "Xử phạt thật nghiêm người chứa chấp, dụ dỗ, dẫn mối gái mại dâm dưới mọi hình thức...". Vì vậy, khi xét xử những kẻ chứa mại dâm, dụ dỗ hoặc dẫn người mại dâm theo Điều 202 Bộ Luật Hình sự, các Toà án cần tuyên phạt kẻ phạm tội với mức án cao theo khung hình phạt mà điều luật đã quy định. Kiên quyết không cho bị cáo được hưởng án treo.
Đối với những người trực tiếp quản lý cơ sở quốc doanh (như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, vũ trường...) mà tổ chức chứa mại dâm thì phải xử phạt nghiêm khắc theo Điều 202 Bộ Luật Hình sự. Trong trường hợp vì thiếu trách nhiệm mà để người dưới quyền mình tổ chức chứa mại dâm tại cơ sở do mình trực tiếp quản lý thì bị xét xử về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 220 Bộ Luật Hình sự. Cần tổ chức phiên toà ngay tại địa bàn nơi tội phạm được thực hiện và đưa tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sau khi xét xử các vụ án thuộc loại nói trên cần báo cáo ngắn gọn nội dung vụ án đã tuyên phạt gửi về Toà án nhân dân tối cao để tổng hợp báo cáo lên trên.
|
Phạm Hưng (Đã ký) |