Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2017 về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018 do tỉnh Hải Dương ban hành
Số hiệu | 13/CT-UBND |
Ngày ban hành | 08/09/2017 |
Ngày có hiệu lực | 08/09/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hải Dương |
Người ký | Nguyễn Dương Thái |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-UBND |
Hải Dương, ngày 08 tháng 9 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM HỌC 2017 - 2018
Năm học 2016-2017, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, thực hiện tốt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một số kết quả tiêu biểu như: Mạng lưới trường, lớp tiếp tục phát triển, ngày càng ổn định; hoàn thiện, số lượng trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh (gấp đôi năm học trước); chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp được nâng cao, Hải Dương là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước được kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ II; chất lượng giáo dục toàn diện có tiến bộ, kết quả học sinh giỏi quốc gia, kết quả điểm trung bình xét tuyển đại học của học sinh duy trì vị trí tốp đầu cả nước; tham gia nhiều cuộc thi cấp Bộ và đạt nhiều giải cao, có cuộc thi, thứ hạng vượt trội hơn năm học trước; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tăng về số lượng, nâng dần về chất lượng; nền nếp, kỷ cương trường học được giữ vững.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2017-2018, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT ngày 08/8/2017 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; đồng thời tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp trong Chương trình hành động số 53-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Rà soát, quy hoạch củng cố, hoàn thiện mạng lưới trường lớp học đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập phong phú, đa dạng của nhân dân và thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Xây dựng cơ sở vật chất, phòng học đáp ứng việc tăng số lượng học sinh ở mầm non, tiểu học và THCS.
Giữ vững và nâng cao chất lượng PCGD, xóa mù chữ; tăng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ nhà trẻ; duy trì sĩ số tốt.
2. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về trình độ, năng lực cũng như phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm, tâm huyết, sự tận tụy với nghề; chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.
3. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi.
Thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị- khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 1537/CT-BGDĐT ngày 05/5/2014 Bộ GD&ĐT về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên, Kế hoạch số 680/KH-UBND ngày 23/3/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2017 - 2020”; triển khai thực hiện tốt các đề án giáo dục đã được phê duyệt, đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học, đi liền với đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực người học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 về việc phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”.
Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, góp phần đảm bảo các chỉ số thể lực, chiều cao, cân nặng cho trẻ theo độ tuổi, giảm tỷ lệ, trẻ suy dinh dưỡng. Tăng cường giáo dục vận động, giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mầm non; chú trọng giáo dục hình thành các thói quen phù hợp với độ tuổi, với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và yêu cầu của xã hội hiện đại.
Nâng cao chất lượng dạy học buổi 2 ở tiểu học; tăng cường giáo dục hành vi, hình thành nền tảng nhân cách cho các em.
Thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh hướng tới hình thành phẩm chất và năng lực của người học. Triển khai, thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức và kĩ thuật dạy học tích cực; chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học của học sinh; tăng cường kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với xu hướng đổi mới cho học sinh, nhất là đối với các em lớp 12 để có kết quả cao hơn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi các lĩnh vực (văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, v.v.)
Nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và tạo điều kiện chuyển đổi ngành, nghề của người lao động; phát huy vai trò thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở ở các trung tâm học tập cộng đồng.
4. Làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh; tổ chức hiệu quả các hoạt động định hướng nghề nghiệp, tạo các điều kiện, cơ hội cho các em có nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp tương lai, thúc đẩy phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông hiệu quả.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, phát triển các hoạt động tư vấn du học, đặc biệt với đối tượng học sinh khá giỏi.
6. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, nhất là Tiếng Anh. Mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới; nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa giáo dục.
7. Đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo. Tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiểu biết về quản lý nhà nước, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ quản lý giáo dục từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xử lý nghiêm các sai phạm, đồng thời có giải pháp tích cực ngăn chặn kịp thời các hiện tượng lạm thu, dạy thêm, học thêm trái quy định. Bảo đảm an ninh trật tự; phòng chống bạo lực, tệ nạn xã hội trong trường học, giảm thiểu học sinh vi phạm kỷ luật. Tăng cường truyền thông về giáo dục nhằm thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát, phản biện của toàn xã hội đối với giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh.
8. Tăng cường các nguồn lực bảo đảm việc dạy học theo tinh thần đổi mới. Tăng cường nguồn lực tài chính cho các nhà trường, bảo đảm đủ kinh phí hoạt động chuyên môn cho các cơ sở GD&ĐT công lập; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho GD&ĐT; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học và hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mới.
9. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. Xây dựng hệ thống đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục; hoàn thiện việc lắp đặt cầu truyền hình trực tuyến tới các phòng GD&ĐT và các trường THPT trung tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Các cấp quản lý giáo dục ở địa phương chủ động, sáng tạo, phát huy sự cộng tác, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2017-2018. Các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cụ thể hóa các nội dung công việc nêu trên cho phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị địa phương; phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để Sở GD&ĐT cùng các cơ sở giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
|
CHỦ
TỊCH |