Chỉ thị 13/CT-UB năm 1990 về việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 13/CT-UB
Ngày ban hành 26/03/1990
Ngày có hiệu lực 26/03/1990
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Vĩnh Nghiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 13/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 03 năm 1990

 

CHỈ THỊ

XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 12 xác định cần phải gấp rút hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố ta giai đoạn từ 1990 đến năm 2000 và 2010. Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cũng đang chỉ đạo triển khai nghiên cứu chiến lược phát triển chung của cả nước.

Nghiêm túc chấp hành Nghị quyết 12 của Thành ủy, thiết thực đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định khẩn trương tổ chức nghiên cứu và hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở cho hoàn chỉnh kế hoạch 5 năm 1991-1995 (theo Chỉ thị 346-CT/HĐBT ngày 17/12/1989) và làm căn cứ để xây dựng nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ V sắp tới.

I. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU.

1/ Tổng kết kinh tế - xã hội 5 năm 1986-1990, đặc biệt là những biến đổi có tính chất “bước ngoặt” của năm 1989 nhằm đánh giá đúng đắn thực trạng kinh tế - xã hội thành phố, xác định và làm rõ những vấn đề thực tiễn có tính qui luật trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn vừa qua. Trên cơ sở đó phân tích nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, phát hiện những mô hình thành công cũng như chưa thành công của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế thành phố trong thời gian qua.

2/ Hoàn thành định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trên cơ sở quan điểm định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của trung ương, xác định những ảnh hưởng và mối quan hệ, tác động của xu thế phát triển của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế đến quá trình phát triển của kinh tế thành phố. Từ đó dự báo khả năng mở rộng thị trường trong nước và quốc tế của thành phố trong thời gian tới. Xây dựng các quan điểm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là làm rõ vị trí chức năng và thế mạnh của thành phố với tư cách là một trung tâm đa chức năng của khu vực phía Nam, xác định hệ thống của các quan điểm phát triển và quản lý Nhà nước. Trên cơ sở đó xác định các mục tiêu phát triển, phương hướng nhiệm vụ của từng ngành và lãnh vực kinh tế - xã hội, xác định và làm rõ hướng chiến lược và thứ tự ưu tiên cần chọn lựa trong phát triển kinh tế - xã hội cụ thể hóa mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh, cơ chế quản lý và hệ thống chính sách kinh tế - xã hội theo quan điểm đổi mới của Đảng.

II. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN.

1/ Từng ngành và từng quận huyện căn cứ theo chỉ thị này và đề cương hướng dẫn của Ban Chỉ đạo thành phố tiến hành tổng kết và xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển dài hạn cho từng ngành và địa phương mình. Riêng đối với các quận huyện cần nắm chắc ý đồ quy hoạch về kinh tế - xã hội và tổng mặt bằng hướng bố trí nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và các công trình xây dựng chủ yếu của các ngành trung ương và thành phố trên địa bàn các quận, huyện và chương trình nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội mà bổ sung điều chỉnh quy hoạch tổng thể các huyện ngoại thành, đây cũng là bước chuẩn bị thiết thực cho Đại hội Đảng bộ các quận huyện trong thời gian sắp tới.

Để kịp thời tổng hợp cho tiến độ chung đến cuối tháng 3/1990 các ngành và huyện phải có báo cáo sơ bộ gởi lên Ban Chỉ đạo thành phố để kịp tổng hợp báo cáo gấp cho Hội đồng Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo chiến lược Trung ương, mà cơ quan thường trực là Ủy ban Kế hoạch và Viện Kinh tế thành phố. Ban Chỉ đạo có thể tổ chức hội nghị, hội thảo trực tiếp nghe một số ngành và quận huyện báo cáo. Sau đó tiếp tục bổ sung chỉnh sửa thành văn bản chính thức và chậm nhất cuối tháng 5/1990 giao nộp cho Ban Chỉ đạo thành phố.

Trước mắt khoảng giữa tháng 3/1990 Ban Chỉ đạo nghiên cứu chiến lược của thành phố, mà Viện Kinh tế và Ủy ban Kế hoạch là cơ quan thường trực sẽ tập họp một số chuyên gia đầu ngành biên soạn dự thảo đề cương báo cáo về chiến lược phát triển thành phố để định hướng cho các ngành, các quận, huyện trong nghiên cứu, đồng thời lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các sở ban ngành, các quận huyện để tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa và kịp trình Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban thông qua vào cuối tháng 3/1990. Sau đó hoàn chỉnh báo cáo cho Hội đồng Bộ trưởng và tổ biên tập chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương.

2/ Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện công việc này. Ban Chỉ đạo gồm có :

Trưởng Ban : Đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Phó Trưởng Ban/Thường trực : Đ/c Nguyễn Công Ái, Phó Chủ tịch u.

Phó Trưởng Ban/Thường trực : Đ/c Nguyễn Công Ái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Các thành viên :

- Đ/c Đặng Hữu Ngọc, Viện trưởng Viện Kinh tế TP

- Đ/c Lê Văn Năm, Giám đốc Sở Xây dựng

- Đ/c Cao Văn Quới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP

- Đ/c Lê Tài Thọ, Phó Trưởng Ban Kinh tế Thành ủy

- Đ/c Lê Ngọc Huệ, Cục trưởng Cục Thống kê TP

- Đ/c Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban KHKT thành phố

- Đ/c Đào Công Tiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế.

Giúp việc cho Ban Chỉ đạo có một tổ biên tập gồm các cán bộ chuyên viên thuộc các cơ quan thành phố, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ định.

Viện Kinh tế thành phố và Ủy ban Kế hoạch thành phố là 2 cơ quan đồng thường trực, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai toàn bộ các nội dung công việc.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc các sở ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện, thành viên Ban Chỉ đạo thành phố khẩn trương triển khai thực hiện theo nội dung và tiến độ thời gian đã được qui định.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Vĩnh Nghiệp

[...]