Chỉ thị 13/2014/CT-UBND triển khai thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Số hiệu 13/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 06/09/2014
Ngày có hiệu lực 16/09/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Diễn
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2014/CT-UBND

Đắk Nông, ngày 06 tháng 09 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính, giữ vững trật tự, kỷ cương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Nhiệm vụ chung

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm:

a) Triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan bằng các hình thức và biện pháp thích hợp để các cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ, thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

b) Thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi của ngành, địa phương.

d) Trang bị cơ sở vật chất, phân công, bố trí cán bộ, công chức thực hiện việc tham mưu về công tác xử lý vi phạm hành chính.

đ) Căn cứ vào điều kiện cơ quan, đơn vị, các văn bản pháp luật có liên quan bố trí kinh phí để bảo đảm công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

e) Kịp thời phản ánh các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương về UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để rà soát, tổng hợp kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý theo quy định.

g) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tham mưu UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Chương II Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

h) Thực hiện nhiệm vụ thống kê xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi quản lý ngành, địa phương.

i) Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 6 tháng và hàng năm:

- Ở cấp xã: Báo cáo UBND cấp huyện (thông qua Phòng Tư pháp) trước ngày 05/4 hàng năm (báo cáo 6 tháng); trước ngày 05/10 (báo cáo năm).

- Các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện: Báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) trước ngày 10/4 hàng năm (báo cáo 6 tháng); trước ngày 10/10 (báo cáo năm).

2. Thủ trưởng các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:

a) Thực hiện chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình về Sở Tư pháp theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 30 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.

b) Phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

c) Thực hiện nhiệm vụ thống kê xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi quản lý của ngành mình.

3. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định; bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

b) Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, những nội dung quy định về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn, báo cáo UBND tỉnh kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền.

c) Tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

đ) Phối hợp thanh tra khi có phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên địa bàn trong trường hợp quy định tại Điều 22 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.

e) Tham mưu UBND tổng hợp báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

g) Phối hợp với các cơ quan liên quan giúp UBND tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

[...]