Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
Số hiệu | 12/CT-UBND |
Ngày ban hành | 12/09/2016 |
Ngày có hiệu lực | 12/09/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Kạn |
Người ký | Phạm Duy Hưng |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND |
Bắc Kạn, ngày 12 tháng 9 năm 2016 |
VỀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2016 - 2017
Năm học 2016-2017, Ngành Giáo dục Bắc Kạn đứng trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hơn nữa để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện Nghị quyết số: 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị toàn ngành Giáo dục Bắc Kạn quán triệt phương hướng và tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016 - 2017, cụ thể như sau:
Tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo: Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; giáo dục thường xuyên chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên, mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề; giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Trung cấp chuyên nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong triển khai đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số: 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp để nâng cao nhận thức và hành động cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành; triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số: 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua khác trong toàn Ngành.
Nâng cao chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên tạo sự chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện học sinh. Coi trọng bộ môn Giáo dục công dân trong các trường phổ thông. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học bộ môn, gắn lý thuyết với liên hệ thực tiễn, đồng thời tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên khi học các bộ môn trên.
2. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo
Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số: 06-CT/TU ngày 22/4/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số: 10-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu đáp ứng với yêu cầu giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số: 11-NQ/TU ngày 27/7/2016 của Tỉnh ủy về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo hướng bền vững.
Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, thực hiện tốt phân cấp quản lý theo quy định của Chính phủ; chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp, kịp thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới giáo dục; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo, thực hiện nghiêm túc lề lối làm việc và việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức. Công khai chất lượng, nguồn lực, tài chính của các cơ sở giáo dục, đào tạo, phát huy tác dụng của hoạt động giám sát xã hội đối với chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; chống các hiện tượng lạm thu, thu sai quy định dưới các danh nghĩa, hình thức khác nhau.
Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục; định kỳ kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động giáo dục, đào tạo; tập trung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý của Thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm (nếu có), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Công khai kết quả kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục để xã hội hiểu và chia sẻ về các chủ trương, giải pháp đổi mới của Ngành. Xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể với sự tham gia của các phòng thuộc Sở, các cơ sở giáo dục và đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình trong việc đưa tin về các hoạt động của Ngành, nhất là về những chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường trong các nhà trường đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện.
3. Rà soát, quy hoạch lại các cơ sở giáo dục
Căn cứ vào các chuẩn, quy chuẩn bảo đảm chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các địa phương tổ chức rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương.
Các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư, hỗ trợ cụ thể về cơ sở vật chất cho các trường học. Tăng cường công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ để nâng cao chất lượng quy hoạch.
4. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) các cấp
Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ QLGD các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục và yêu cầu triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Thực hiện tinh giản biên chế theo quy định; điều chuyển giáo viên từ những nơi dôi dư sau sắp xếp trường, lớp đến những nơi hiện đang thiếu giáo viên và số học sinh/lớp quá tải; thực hiện việc luân chuyển cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên theo quy định.
Tổ chức và cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo yêu cầu của chuẩn/tiêu chuẩn ban hành. Việc cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng phải sát với trình độ, năng lực, gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm. Quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên và cán bộ QLGD các cấp.
Tiếp tục đổi mới công tác thi đua - khen thưởng đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên Ngành Giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tăng cường truyền thông những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, các điển hình tiên tiến xuất sắc nhằm khơi dậy nhiệt huyết và ý thức tự hào nghề nghiệp của đội ngũ.
* Về công tác phân luồng học sinh phổ thông:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường.
Đổi mới hình thức, nội dung tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, đặc biệt đối với học sinh lớp 9, lớp 12 nhằm đảm bảo học sinh được tiếp cận thông tin về các cơ sở dạy nghề, các chính sách ưu đãi trong học nghề và xu hướng thị trường lao động, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của địa phương từ đó giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện của bản thân.