Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2022 về tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 30/09/2022
Ngày có hiệu lực 30/09/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Võ Văn Cảnh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 30 tháng 09 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SẢN XUẤT, SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG ĐỂ THAY THẾ GẠCH ĐẤT SÉT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Thực hiện Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030; nhằm tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng tại Báo cáo số 421/BC-SXD ngày 16/9/2022 và Tờ trình số 33/TTr-SXD ngày 29/3/2022, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thực hiện nghiêm các nội dung sau:

1. Đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, các nhà thầu:

a) Khi lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự toán gói thầu, hồ sơ mời thầu, đánh giá lựa chọn nhà thầu thi công các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây như sau:

- Tại thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.

- Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây.

b) Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

c) Nhà nước khuyến khích sử dụng tối đa vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, số tầng.

d) Người quyết định đầu tư có trách nhiệm quy định sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định khi quyết định đầu tư dự án.

đ) Chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng các loại vật liệu xây không nung phù hợp với quy định nêu trên.

e) Nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm đưa vào thiết kế các loại vật liệu xây không nung phù hợp với từng loại kết cấu.

g) Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn giám sát phải tuân thủ quy định của thiết kế về việc sử dụng vật liệu xây không nung.

2. Sở Xây dựng:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan đến Chương trình phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

b) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

c) Tăng cường kiểm soát tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong quá trình thẩm định các dự án đầu tư xây dựng theo thẩm quyền.

d) Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ việc quản lý chất lượng các sản phẩm vật liệu xây không nung đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật.

đ) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng về tình hình sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn.

3. Sở Công thương:

a) Phối hợp với Sở, ngành có liên quan thực hiện tuyên truyền và phổ biến các chính sách ưu đãi khi chuyển đổi công nghệ sản xuất tiên tiến theo quy định đến các đơn vị sản xuất gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng.

b) Hàng năm rà soát, tổng hợp, xây dựng kế hoạch hỗ trợ một phần kinh phí khuyến công địa phương cho các đơn vị sản xuất vật liệu không nung đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến… đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường, tiết kiệm năng lượng.

c) Hàng năm rà soát, đăng ký các đề án khuyến công quốc gia với Cục Công thương địa phương - Bộ Công Thương (nếu có) cho việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu và hoạt động xúc tiến thương mại trong nước đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng không nung.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động về khoa học công nghệ, giới thiệu các công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung tiên tiến, hiện đại đến các nhà đầu tư; hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn dây chuyền sản xuất công nghệ bảo đảm về môi trường, phù hợp với quy mô sản xuất, ưu tiên lựa chọn thiết bị, máy móc trong nước sản xuất được; chủ động xây dựng, đề xuất các chế độ chính sách ưu đãi về nghiên cứu khoa học phát triển vật liệu xây không nung, sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm môi trường, chuyển giao công nghệ.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ mới, chuyển giao công nghệ, các dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật liệu xây không nung, chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung được hưởng các ưu đãi của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương, áp dụng ưu đãi về chuyển giao công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ.

c) Ưu tiên bố trí kinh phí cho các dự án, đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung và sản xuất thiết bị cho sản xuất vật liệu xây không nung; hỗ trợ xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm vật liệu xây không nung.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

[...]