Chỉ thị 12/2007/CT-UBND về thực hiện cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 12/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 29/05/2007
Ngày có hiệu lực 08/06/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 12/2007/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 29 tháng 05 năm 2007

 

CHỈ THỊ

THỰC HIỆN CUỘC TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KINH TẾ, HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP NĂM 2007 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Ngày 15/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 187/2006/QĐ-TTg về việc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007. Cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 được tiến hành trên phạm vi cả nước và theo cấp hành chính từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn. Thời gian thực hiện thu thập số liệu của tổng điều tra bắt đầu từ ngày 01/7/2007 đến ngày 20/7/2007. Mục đích tổng điều tra là nhằm thu thập thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp phục vụ công tác, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Chính phủ.

Để đảm bảo chất lượng và hoàn thành tốt cuộc tổng điều tra, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ thị:

1. Tất cả các đơn vị cơ sở kinh tế (trừ các đơn vị thuộc ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã điều tra trong tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2006), các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể, hiệp hội... trên địa bàn tỉnh đều phải triển khai thực hiện và tham gia vào việc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 187/2006/QĐ-TTg ngày 15/8/2006 về việc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007.

2. Nội dung tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 bao gồm điều tra về: số lượng và các chỉ tiêu cơ bản (tên gọi, địa điểm, loại hình cơ sở, hình thức sở hữu, loại hình tổ chức hoạt động, ngành nghề sản xuất kinh doanh...); số lượng và trình độ chuyên môn của lao động, một số chỉ tiêu về thống kê giới; các chỉ tiêu cơ bản về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (thu nhập, doanh thu, nguồn vốn, tài sản...); các chỉ tiêu chủ yếu về tình trạng trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin...

3. Cục Thống kê - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh - xây dựng nội dung, kế hoạch và phương án tổng điều tra trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ cho lực lượng điều tra viên; tham mưu UBND tỉnh phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo hoàn thành tổng điều tra đúng thời gian quy định; triển khai cuộc tổng điều tra đảm bảo thực hiện theo đúng phương án tổng điều tra của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương; nghiệm thu tài liệu điều tra, tổng hợp và báo cáo kết quả tổng điều tra cho Tổng Cục Thống kê và UBND tỉnh; dự toán kinh phí, sử dụng và quyết toán kinh phí đúng mục đích và theo chế độ tài chính hiện hành.

4. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh lập kế hoạch tổng điều tra trên địa bàn mình; chỉ đạo việc lựa chọn các điều tra viên có năng lực, trình độ và đảm bảo đủ số lượng điều tra viên; tổ chức mạng lưới thực hiện công tác điều tra; tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân trên địa bàn hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tổng điều tra; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổng điều tra của địa phương mình theo đúng quy trình, tiến độ và đạt yêu cầu chất lượng điều tra; chỉ đạo sâu sát và báo cáo tiến độ điều tra về Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình điều tra để kịp thời giải quyết nhằm thực hiện tốt cuộc tổng điều tra.

5. Các cơ quan, đơn vị nêu tại khoản 1 có trách nhiệm cung cấp thông tin, khai báo nội dung điều tra theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp. Việc điều tra của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp bảo đảm chỉ thực hiện một lần, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho đối tượng điều tra.

6. Báo An Giang và Đài Phát thanh Truyền hình An Giang phối hợp với Cục Thống kê tỉnh (Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra) để nắm nội dung, thông tin, số liệu nhằm tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân và tất cả các đối tượng điều tra trên địa bàn tỉnh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa quan trọng của việc tổng điều tra và thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc tham gia tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007.

7. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các ngành, chính quyền các cấp, các đối tượng điều tra và nhân dân trong tỉnh thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này, giúp đợt tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007 của tỉnh đạt kết quả cao nhất.

Đây là một cuộc tổng điều tra lớn, có ý nghĩa quan trọng, phạm vi điều tra rộng, đối tượng tham gia điều tra đa dạng, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Do đó, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp cần xem đây là công tác trọng tâm của năm 2007, chuẩn bị thật chu đáo về mọi mặt, quan tâm, hỗ trợ, dành thời gian, huy động nguồn lực thích đáng và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt cuộc tổng điều tra trong tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài chính, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT. TU, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh; đã ký
- Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- Báo, Đài Phát thanh Truyền hình An Giang;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Lưu VT, P. TH, KT, VHXH, TT Công báo tỉnh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh