Chỉ thị 1118/CT-BNN-TCTL năm 2014 tăng cường công tác quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 1118/CT-BNN-TCTL |
Ngày ban hành | 03/04/2014 |
Ngày có hiệu lực | 03/04/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Hoàng Văn Thắng |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1118/CT-BNN-TCTL |
Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2014 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC TẬP TRUNG NÔNG THÔN
Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 và thực hiện trên phạm vi cả nước. Đến nay, khoảng 82% số dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó gần 40% sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02:2009/BYT của Bộ Y tế; 60% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 92% trạm y tế, 90% trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều mô hình tổ chức quản lý sau đầu tư các công trình cấp nước tập trung có hiệu quả, chất lượng nước được nâng cao. Những kết quả đạt được trước hết do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt sự tham gia tích cực của nhân dân.
Tuy nhiên, ở một số địa phương kết quả đạt được chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và mong mỏi của nhân dân, số lượng công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả vẫn còn cao; chất lượng nước ở nhiều công trình cấp nước chưa ổn định; công tác quản lý, vận hành nhiều nơi còn buông lỏng, trách nhiệm không rõ ràng, hoạt động kém bền vững, nhiều công trình chưa phát huy hết công suất dẫn đến nhiều công trình mới đưa vào phục vụ trong thời gian ngắn đã bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí không thể khôi phục hoạt động gây lãng phí đầu tư của Nhà nước và nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban Chủ nhiệm Chương trình yêu cầu:
1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Điều hành Chương trình Mục tiêu quốc gia của tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc một số công việc sau:
a) Rà soát hiện trạng, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, bao gồm tình trạng hoạt động, phân loại công trình và mô hình tổ chức quản lý vận hành, làm rõ nguyên nhân, tồn tại và có phương án xử lý cụ thể đối với từng công trình hoạt động kém hiệu quả. Tổng kết đánh giá mô hình tổ chức quản lý vận hành để lựa chọn mô hình phù hợp. Kiên quyết thay đổi mô hình tổ chức quản lý vận hành kém hiệu quả.
b) Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn công nghệ hiệu quả và phù hợp với điều kiện nguồn nước, kinh tế xã hội, phong tục tập quán ở địa phương.
c) Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
d) Ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và quản lý vận hành phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt từ khu vực tư nhân tham gia trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, thúc đẩy việc xã hội hóa và hình thành thị trường nước sạch nông thôn theo Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.
đ) Tiếp tục mở rộng kênh cho vay qua ngân hàng Chính sách xã hội. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho công tác sửa chữa, nâng cấp công trình xuống cấp, hư hỏng để nâng cao hiệu quả sử dụng; hỗ trợ chi phí vận hành bảo dưỡng đối với các công trình thu phí nước không đủ bù các chi phí theo Thông tư số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn; chú trọng bố trí nguồn lực cho các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người, hỗ trợ những hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách.
e) Bố trí đủ kinh phí để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.
g) Đối với những tỉnh có nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động cần cương quyết chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và quản lý vận hành và hạn chế tối đa việc đầu tư mở mới công trình; chỉ thực hiện việc phân cấp đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung khi cấp dưới có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và nắm vững quy định hướng dẫn của Chương trình, đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra và giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý chuyên môn.
h) Chủ động xem xét điều chỉnh giá nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh cho phù hợp theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý. Trường hợp thu không đủ chi phí, cân đối trong ngân sách sự nghiệp kinh tế của tỉnh để cấp bù cho các đơn vị cấp nước.
i) Đẩy mạnh công tác Thông tin - Giáo dục - Truyền thông huy động nguồn lực cộng đồng, nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân về sử dụng, quản lý khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sạch nông thôn và bảo vệ nguồn nước.
2. Tổng cục Thủy lợi, Văn phòng thường trực Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương thực hiện Chỉ thị và báo cáo Bộ trưởng - Trưởng ban Chủ nhiệm Chương trình kết quả thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |