Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2013 chấn chỉnh và tăng cường quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 11/CT-UBND
Ngày ban hành 26/06/2013
Ngày có hiệu lực 26/06/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Lê Thanh Cung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Bình Dương, ngày 26 tháng 6 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định về quản lý và đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đạt những kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên canh đó, vẫn còn một số tồn tại như phê duyệt nhiều dự án vượt quá khả năng cân đối vốn ở cấp huyện; phân bổ vốn chưa tập trung, thời gian thi công kéo dài gây lãng phí nguồn lực đầu tư; công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được quan tâm, chất lượng một số báo cáo chưa đáp ứng theo quy định; công tác đấu thầu đã phát hiện một số trường hợp thông thầu, đấu thầu mang tính hình thức, không thể hiện được tính cạnh tranh gây lãng phí vốn đầu tư từ ngân sách.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách, tăng cường quản lý trong công tác đấu thầu và giám sát, đánh giá đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị các Sở, ban, ngành, Đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện những yêu cầu sau:

I. Tăng cường công tác quản lý, bố trí, phân bổ và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố phải cân đối, đảm bảo nguồn vốn và bám sát kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong quá trình triển khai thực hiện dự án, không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, thực hiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản tại các địa phương.

2. Các cơ quan, đơn vị được giao làm Chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ phải quản lý, sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo không lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.

3. Việc phân bổ kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng thu ngân sách và tổng mức vốn được phân bổ trong năm dành cho đầu tư xây dựng cơ bản. Tập trung bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên cho các dự án đã hoàn thành, dự án có nhu cầu cấp thiết, dự kiến hoàn thành trong năm kế hoạch; vốn đối ứng các dự án ODA; các dự án chuyển tiếp. Số vốn còn lại bố trí cho các dự án đang thục hiện; các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng; các dự án chuẩn bị đầu tư; các dự án khởi công mới thật sự cấp bách, đủ điều kiện theo quy định.

4. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các công trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

II. Chấn chỉnh công tác đấu thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

1. Các ngành, các cấp, các Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tổ chức thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý đấu thầu theo trách nhiệm được phân cấp; kiểm tra, rà soát điều kiện và năng lực của các Chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nếu năng lực không đáp ứng được yêu cầu theo quy định thì không giao quản lý dự án hoặc chuyển đổi Chủ đầu tư đủ điều kiện năng lực đảm nhiệm.

3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường thanh, kiểm tra trong công tác đấu thầu và có báo cáo kết quả, đề xuất tham mưu UBND tỉnh xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu.

4. Chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo về đấu thầu; nâng cao chất lượng nội dung báo cáo, số liệu phải đầy đủ và trung thực; thời gian báo cáo tuân thủ theo đúng quy định. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chế độ và biểu mẫu báo cáo cho các Chủ đầu tư; đồng thời là đơn vị đầu mối tiếp nhận báo cáo về đấu thầu theo định kỳ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

III. Chấn chỉnh công tác giám sát, đánh giá đầu tư và đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư:

1. Các cấp, các ngành và các Chủ đầu tư căn cứ nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát, đánh giá đầu tư, khẩn trương kiện toàn bộ máy thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư đáp ứng yêu cầu; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho cán bộ làm công tác giám sát, đánh giá đầu tư, ban quản lý dự án và các đối tượng có liên quan.

2. Các cấp, các ngành và các Chủ đầu tư thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư toàn bộ quá trình đầu tư theo quy định; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác kiểm tra, đánh giá đầu tư của từng ngành và của từng huyện, thị xã, thành phố. Chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với đặc thù của đơn vị mình, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư khắc phục những tồn tại về thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ trong đầu tư, xây dựng.

Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định về giám sát, đánh giá đầu tư được qui định tại Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư.

3. Xử lý vi phạm các quy định về giám sát, đánh giá đầu tư:

Xử lý nghiêm các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Chủ đầu tư vi phạm các quy định về giám sát, đánh giá đầu tư được quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư và các văn bản pháp luật có liên quan.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hình thức xử lý đối với các tồ chức, cá nhân vi phạm quy định về giám sát, đánh giá đầu tư.

IV. Giải phóng mặt bằng:

Sau khi dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt, Chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng; phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa.

Chủ đầu tư, đặc biệt là Ban quản lý dự án các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phát triển quỹ đất và các Sở, ngành liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Khi dự án đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng tối thiểu được 70% thì Chủ đầu tư mới được phép triển khai mời thầu để đấu thầu thi công. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về các bước triển khai dự án theo đúng chỉ đạo này. Trường hợp khác phải có ý kiến chấp thuận của người quyết định đầu tư.

V. Thẩm định, thẩm tra hồ sơ đầu tư xây dựng:

1. Hồ sơ do UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt:

- Đối với dự án: Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối thẩm định dự án đầu tư xây dựng.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ