Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2015 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch do thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 11/CT-UBND |
Ngày ban hành | 21/07/2015 |
Ngày có hiệu lực | 21/07/2015 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Lê Hồng Sơn |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND |
Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, TẬP TRUNG KHẮC PHỤC YẾU KÉM, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch (xin gửi bản chụp kèm theo). UBND Thành phố giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo:
1. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 4/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố về công tác du lịch đảm bảo tạo thuận lợi cho khách du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc phát triển du lịch trở thành mũi nhọn đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố.
2. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:
2.1. Rà soát công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước toàn diện trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa, bảo đảm trật tự, kỷ cương văn minh lịch sự và quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; tập trung chỉ đạo hiệu quả:
- Tăng cường quản lý giá cả của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, bán hàng tại các khu, điểm du lịch;
- Các doanh nghiệp lữ hành thực hiện đúng chương trình du lịch theo hợp đồng ký kết;
- Rà soát, tăng cường kiểm tra và xử lý triệt để tình trạng taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch; công bố công khai số điện thoại và bộ phận chức năng có trách nhiệm trực 24/24 giờ để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, yêu cầu kiến nghị của khách du lịch.
- Các cơ quan chức năng và Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND Thành phố nếu để tình trạng vi phạm xảy ra trên địa bàn gây bức xúc cho khách du lịch.
2.2. Bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch, các đối tượng có hành vi ném đất, đá lên tàu, xe, gây mất an toàn cho khách;
- Tổ chức rà soát, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn giao thông rõ ràng, phù hợp bảo đảm an toàn, phòng ngừa ùn tắc, tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận các khu, điểm du lịch; kiểm tra, phát hiện, xử lý dứt điểm hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà cho lái xe trên các tuyến đường giao thông, gây bức xúc cho người dân và khách du lịch.
- Tăng cường quản lý vỉa hè, lòng đường, bảo đảm thông thoáng, vệ sinh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất vệ sinh, trật tự.
- Phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch;
- Tăng cường kiểm tra, xử lý không để người ăn xin lang thang ở các khu, điểm du lịch. Xử lý triệt để tình trạng giả danh người ăn xin, gây phiền hà cho khách du lịch.
2.3. Bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm
- Tăng cường tuyên truyền vận động, quần chúng nhân dân, tham gia phong trào cải thiện môi trường nơi công cộng.
- Quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện đúng qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh khu vực chế biến và phục vụ khách, vệ sinh đường phố, lòng đường, hè đường và tại các địa điểm kinh doanh. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Chỉ đạo, bố trí phương tiện và nhân viên giữ gìn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, chất thải tại các điểm, khu du lịch, các điểm dừng chân, các trạm xăng đảm bảo tạo thuận lợi cho khách du lịch.
- Kiểm tra thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, rác thải, chất thải tại các khu, điểm du lịch. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch, các điểm dừng chân, các trạm xăng không thực hiện đúng qui định về vệ sinh môi trường và các tổ chức, cá nhân có hành vi làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |