Chỉ thị 1033-DS năm 1959 về chủ trương giải quyết những việc tranh chấp dân sự để bảo vệ phong trào hợp tác nông nghiệp do Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành

Số hiệu 1033-DS
Ngày ban hành 23/09/1959
Ngày có hiệu lực 08/10/1959
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Trần Công Tường
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1033-DS

Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 1959 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHỦ TRƯƠNG GIẢI QUYẾT NHỮNG VIỆC TRANH CHẤP DÂN SỰ ĐỂ BẢO VỆ PHONG TRÀO HỢP TÁC NÔNG NGHIỆP

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Kính gửi : Các tòa án nhân dân khu, thành phố, tỉnh, huyện, thị, châu

Trong Chỉ thị số 595-TATC ngày 12 tháng 06 năm 1959, Tòa án tối cao đã nêu rõ tình hình hiện nay và tính chất của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở nông thôn miền Bắc nước ta và đề ra các nhiệm vụ của Tòa án để bảo vệ phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Căn cứ vào tinh thần của chỉ thị ấy, nay Tòa án Tối cao ra chỉ thị này để hướng dẫn các Tòa án về đường lối chủ trương giải quyết những việc tranh chấp dân sự có liên quan đến hợp tác hóa nông nghiệp, nhằm mục đích củng cố khối đoàn kết nội bộ nhân dân góp phần tạo điều kiện tốt cho công cuộc xây dựng hợp tác xã tiến tới và sản xuất nông nghiệp phát triển.

Hiện nay phong trào hợp tác nông nghiệp ở nông thôn đã phát triển. Nhưng song song với sự phát triển của hợp tác xã những xích mích mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân cũng có những biến chuyển mới, như xích mích giữa nông dân cá thể với xã viên hoặc hợp tác xã, xích mích giữa xã viên với xã viên, xích mích giữa tổ đổi công với hợp tác xã, hoặc giữa hợp tác xã này với hợp tác xã khác. Đã có những hiện tượng như tranh chấp nhau về trâu bò, ruộng đất, nông cụ, nguồn nước chống hạn, nợ nần v.v… giữa nông dân cá thể với xã viên hay hợp tác xã, hoặc giữa tổ đổi công với hợp tác xã. Trong nội bộ hợp tác xã cũng có xích mích về phân phối lao động, về bình công chấm điểm, về phân phối hoa lợi, về thanh toán tiền trâu bò v.v… giữa hai hợp tác xã với nhau cũng có xích mích về phương tiên sản xuất, về ranh giới ruộng đất, về nguồn nước.

Nói chung những xích mích ấy đều phản ảnh tính chất mâu thuẫn tạm thời giữa lợi ích cá thể và lợi ích tập thể, mâu thuẫn giữa lợi ích cục bộ với lợi ích toàn bộ. Trong giai đoạn đầu, quan hệ xã hội chủ nghĩa mới xây dựng, quan hệ sản xuất cá thể còn lớn, việc giáo dục xã hội chủ nghĩa chưa được đầy đủ, việc quản lý của hợp tác xã chưa có kinh nghiệm, do đó có thể phát sinh nhiều mâu thuẫn phức tạp.

Để giải quyết những mâu thuẫn ấy, có nơi đã biết dùng hội nghị xã viên, hội nghị liên tịch giữa hai hợp tác xã hay giữa hợp tác xã với các đoàn thể quần chúng để bàn bạc dân chủ, giải quyết ổn thỏa nên có kết quả tốt. Nhưng sơ bộ nắm được thì cũng có nơi vì trong mối quan hệ giữa nông dân cá thể với xã viên hoặc với hợp tác xã thường có thái độ phân biệt đối xử, khi xẩy ra mâu thuẫn thì giải quyết chưa được thỏa đáng, nhiều nơi hợp tác xã hay xã viên có khuynh hướng chèn ép nông dân bên ngoài, nên sinh nhiều diễn biến không lợi cho đoàn kết sản xuất, thậm chí có trường hợp xẩy ra ẩu đả nhau giữa xã viên với người ngoài, hoặc giữa hợp tác xã với hợp tác xã khác, hoặc nhân các xích mích đó mà địch có thể lợi dụng để phản tuyên truyền phá hoại phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

Một số Tòa án địa phương, nhất là các Tòa án huyện đã biết thông qua công tác đỡ đầu hợp tác xã để giúp đỡ hợp tác xã giải quyết kịp thời được nhiều việc và có kết quả.

Nhưng nhìn chung trong công tác của ta, một mặt chưa giải quyết kịp thời những việc dân sự, nhất là những việc ly hôn, nên chưa làm cho các đương sự an tâm sản xuất. Có trường hợp vợ chồng chỉ vì chê bỏ nhau nhưng chưa có quyết định chính thức của Tòa án mà không được vào hợp tác xã, hoặc đã bỏ nhau rồi nhưng công điểm la của người vợ vẫn tính vào hộ nhà chồng. Ngoài ra, trong quan hệ vợ chồng, ta cũng chưa thật chú trọng đến những tình trạng đánh đập ngược đãi phụ nữ, hoặc thiếu dân chủ thường xuyên trong gia đình, để bảo vệ lao động của phụ nữ. Mặt khác, vì chưa chuyển hướng kịp chủ trương đường lối xử lý và tác phong lề lối công tác, nên bản thân Tòa án còn lúng túng đối với các sự việc có tính chất mới mẻ, như xin ly hôn vì thiếu sức lao động, giải quyết ruộng đất, tài sản, con cái, trong các việc ly hôn và các việc nợ nần có liên quan đến hợp tác xã.

Xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ nói trên, Tòa án Tối cao công tác những ý kiến dưới đây:

I. ĐƯỜNG LỐI, PHƯƠNG CHÂM, PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT

1. Khi giải quyết những việc xích mích mâu thuẫn về quyền lợi trong nội bộ nhân dân có liên quan đến hợp tác xã, những việc kiện thưa về ly hôn, ruộng đất, công nợ v.v.. giữa xã viên với xã viên, giữa xã viên với người ngoài, đều phải căn cứ vào chính sách hợp tác nông nghiệp, nhất là phải nắm vững ba nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, và các chính sách cụ thể(11) đồng thời phải căn cứ vào pháp luật Nhà nước nhằm giải quyết quyền lợi các đương sự cho hợp tình hợp lý, bảo đảm đoàn kết nội bộ hợp tác xã, đoàn kết giữa hợp tác xã với tổ đổi công và nông dân cá thể và khuyến khích tăng gia sản xuất.

Khi vận dụng luật pháp và các chính sách cụ thể đó phải căn cứ vào đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn trong quá trình vận động hợp tác hóa nông nghiệp, kết hợp lợi ích của tập thể với lợi ích của từng xã viên, kết hợp lợi ích của hợp tác xã với lợi ích của quần chúng bên ngoài, và tôn trọng đúng mức quyền lợi của trung nông làm riêng lẻ, kết hợp lợi ích của hợp tác xã với lợi ích chung của Nhà nước, đồng thời cũng phải áp dụng những chủ trương biện pháp thích hợp với từng bước phát triển của phong trào.

2. Phải tích cực để giải quyết cho kịp thời, nhưng khi giải quyết cần phải điều tra đầy đủ, nghiên cứu thận trọng. Tránh khuynh hướng chỉ giải quyết cho quyền lợi của hợp tác xã mà không chú trọng đến quyền lợi của xã viên, cũng như chỉ giải quyết cho quyền lợi của xã viên mà không chú trọng đến quyền lợi của người  ngoài hay của tổ đổi công. Có như thế mới làm cho xã viên gắn bó với hợp tác xã và làm cho người ngoài và tổ đổi công đoàn kết chung quanh hợp tác xã để cải tạo họ được thuận lợi.

3. Phải lấy công tác đều giải thuyết phục làm chính. Trong công tác giáo dục thiết phục, phải bảo đảm dân chủ và tôn trọng chính sách, luật pháp. Cần làm cho đương sự được thông hiểu và tự nguyện. Tránh lối gò ép mệnh lệnh, chỉ dựa vào đa số để quyết định thi hành trong khi một thiểu số chưa được thông suốt.

- Cần dựa vào hợp tác xã, bồi dưỡng và hướng dẫn các Ban quản trị nắm vững đường lối chủ trương để giải quyết các xích mích mâu thuẫn. Tránh khuynh hướng việc gì cũng đưa ra Tòa án xử xét hoặc đưa ra chính quyền xử lý, nhất là các xích mích mâu thuẫn trong nội bộ hợp tác xã. Nhưng cũng tránh khuynh hướng cái gì cũng do hợp tác xã giải quyết; thí dụ các trường hợp có liên quan đến quyền lợi của người ngoài đã qua dàn xếp mà không kết quả.

II. CHỦ TRƯƠNG GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ TRƯỚC MẮT

Trong thực tế sẽ có nhiều việc tranh chấp xẩy ra có liên quan đến hợp tác hóa nông nghiệp, nhưng chúng ta hiện nay chưa có điều kiện nghiên cứu để đề ra chủ trương cụ thể được đầy đủ.

Dưới đây, Tòa án tối cao sơ bộ nêu một số vấn đề cụ thể và đề ra chủ trương; trong quá trình áp dụng các Tòa án cần nghiên cứu và rút kinh nghiệm thêm để bổ sung. Ngoài ra, nếu có những việc tranh chấp không thuộc phạm vi đã có chủ trương, thì các Tòa án cần nghiên cứu nghị quyết 16 của Tung ương Đảng kết hợp chủ trương của địa phương và các đường lối, phương châm, phương pháp đã nói ở trên để giải quyết và báo cáo cho Tòa án tối cao biết.

A. Về ly hôn:

Nói chung về nguyên tắc giải quyết không có gì thay đổi. Đối với tình hình hiện nay, các Tòa án cần quan tâm cải thiện những quan hệ gia đình thiếu bình đẳng dân chủ, thường xuyên sinh bất hòa lục đục, ảnh hưởng đến sản xuất và đoàn kết và chú trọng giải quyết những việc xin ly hôn vì các nguyên nhân phong kiến. Nhất là các trường hợp người vợ bị hành hạ đánh đập ngược đãi thậm tệ, Tòa án phải kiên quyết và kịp thời xử lý để bảo vệ tự do thân thể, sinh mạng và lao động cho phụ nữ, chống những tàn tích của chế độ hôn nhân gia đình phong kiến. không nên kéo dài những cuộc hòa giải gò bó vô hiệu quả đối với các vụ ly hôn có tính chất nghiêm trọng.

Một số chủ trương mới trong vấn đề ly hôn có liên quan đến hợp tác hóa nông nghiệp:

1. Xin ly hôn vì lý do không có lao động:

Nếu một bên không tích cực lao động mà bên kia xin ly hôn (ngoài ra, các nguyên nhân khác không được chính xác) thì cách xử lý là phải thận trọng. Phải nhằm cải thiện quan hệ vợ chồng là chính. Cần giáo dục bên không tích cực lao động, xây dựng cho họ có tư tưởng yêu lao động và yêu hợp tác xã như yêu gia đình mình, kiên trì tranh thủ làm cho tư tưởng của họ chuyển biến tốt.

Đối với những người lười biếng, có sức lao động mà không chịu lao động và sống ỷ lại vào vợ hoặc chồng thì phải giáo dục, làm cho họ nhận rõ lao động là vinh quang, để cải thiện quan hệ vợ chồng.

Đối với trường hợp một bên vì đau yếu, tàn tật mất sức lao động mà bên kia xin ly hôn thì cần lấy giáo dục thuyết phục để làm cho nguyên đơn nhận rõ nghĩa vụ tương trợ nhau giữa vợ chồng, nhất là đối với những người phụ nữ yếu đau tàn tật. Mặt khác cần bàn bạc với hợp tác xã để có sự phân công bố trí lao động cho thích hợp với sức khỏe của đương sự để giúp cho việc cải thiện quan hệ vợ chồng được kết quả. Nếu giải quyết không thận trọng mà cho ly hôn dễ dàng thì có thể có trường hợp không bảo vệ được quyền lợi của đương sự, ngoài ra còn ảnh hưởng, không tốt và có thể tạo sơ hở để địch lợi dụng xuyên tạc phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

2. Giải quyết việc nuôi con:

[...]