Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2012 về tăng cường biện pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 10/CT-UBND |
Ngày ban hành | 13/03/2012 |
Ngày có hiệu lực | 23/03/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Lê Minh Trí |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 3 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ RẦY NÂU VÀ BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ HẠI LÚA NĂM 2012 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Theo Thông báo số 07/TBSB- BVTV-TV ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Cục Bảo vệ thực vật, ở các tỉnh phía Nam, diện tích lúa nhiễm rầy nâu trong tuần từ ngày 10 tháng 02 đến ngày 16 tháng 02 năm 2012 là 35.884 ha, mật số rầy nâu trên đồng phổ biến 1.000 - 2.000 con/m2, trong đó mật số từ 3.000 - 6.000 con/m2 với diện tích 467,5 ha. Các tỉnh có diện tích nhiễm rầy nâu nhiều như: Long An, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Thuận... Tính từ đầu năm 2012 đến nay, tuy chưa xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, nhưng tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn đe dọa sản xuất lúa ở các tỉnh phía Nam.
Trong thời gian vừa qua ngành nông nghiệp thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương, ban, ngành các cấp thực hiện tốt kế hoạch gieo cấy lúa đồng loạt và tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ rầy nâu có hiệu quả. Dự kiến diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn thành phố trong năm 2012 ước khoảng 18.400 ha, riêng vụ Đông Xuân 2011 - 2012 là 5.400 ha, hiện đã gieo cấy được 5.688 ha. Theo báo cáo của Chi Cục Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 24 tháng 02 năm 2012, diện tích lúa nhiễm rầy nâu trên địa bàn thành phố là 239 ha. Ngoài ra, còn có diện tích lúa bị nhiễm sinh vật hại khác như: Sâu cuốn lá 252 ha, bọ xít hôi 208 ha, ốc bươu vàng 811 ha, bệnh đạo ôn 155 ha, bệnh đốm vằn 113 ha. Tuy chưa xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá nhưng nguy cơ rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có khả năng bột phát khá cao.
Nhằm tổ chức triển khai công tác phòng, chống rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá ngay từ đầu năm, không để dịch hại lúa bột phát gây thiệt hại làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa, đảm bảo ổn định đời sống cho bà con nông dân; Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Đoàn thể thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất lúa triển khai thực hiện nghiêm túc các công việc sau:
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cấp thành phố:
Theo dõi, kiểm tra, nắm chắc diễn biến tình hình dịch hại, tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo việc phòng trừ rầy nâu và bệnh hại lúa an toàn, hiệu quả.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
2.1. Thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến rầy nâu - bệnh hại lúa tại thành phố, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, kịp thời ứng phó với dịch rầy nâu và bệnh hại lúa trong năm 2012.
2.2. Chỉ đạo Chi Cục Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh hại lúa như:
- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc tình hình rầy nâu và bệnh hại lúa trên địa bàn thành phố, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ để dự tính, dự báo chính xác khả năng phát sinh gây hại của rầy nâu và bệnh hại lúa nhằm đề ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị rầy nâu và bệnh hại lúa, lưu ý gieo sạ tập trung né rầy, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm; áp dụng “ba giảm, ba tăng”: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, “một phải, năm giảm”: phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch.
- Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại, nhân rộng mô hình sử dụng nấm Metarhizium anisopliea trong phòng trừ rầy nâu.
- Chuẩn bị vật tư, phương tiện phòng chống dịch; phân công cán bộ tăng cường công tác ở cơ sở để giám sát chặt chẽ tình hình và diễn biến của các đối tượng dịch hại nguy hiểm trên đồng ruộng, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các loài sâu bệnh hại khác, hướng dẫn nông dân phát hiện và xử lý kịp thời, không để rầy nâu, bệnh hại lúa bột phát thành dịch.
- Phối hợp với Chi Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
2.3. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông:
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, giống lúa kháng rầy.
- Tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa có hiệu quả như: Sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả…
- Lồng ghép tuyên truyền công tác phòng trừ rầy nâu, bệnh hại lúa trong các buổi hội thảo, tập huấn cho nông dân.
2.4. Chỉ đạo Chi Cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão theo dõi tình hình thời tiết, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn để thông báo, hướng dẫn cho nông dân và có kế hoạch điều tiết nước kịp thời; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất; phối hợp với chính quyền địa phương thông báo kịp thời lịch cung cấp nước để nông dân biết và sử dụng nước hợp lý theo đúng nhu cầu, đảm bảo hiệu quả sản xuất.
3. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa năm 2012.
- Hướng dẫn các sở, ngành, quận, huyện lập dự toán kinh phí phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa; bố trí kinh phí kịp thời, tổ chức thực hiện cấp phát, thanh quyết toán và kiểm tra việc thực hiện kinh phí, đảm bảo các yêu cầu công tác hoạt động phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa theo kế hoạch đã được phê duyệt.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan, huy động Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền qua băng rôn, áp phích tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về các chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, vận động nông dân chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân quận, huyện để thông tin kịp thời tình hình hạn hán, dịch bệnh và các biện pháp phòng trừ.
5. Sở Công Thương:
Chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường phối hợp với Chi Cục Bảo vệ thực vật, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường lực lượng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và vật tư nông nghiệp khác. Xử phạt nghiêm các trường hợp tăng giá sản phẩm; thuốc, phân bón ngoài danh mục; hàng giả, kém chất lượng…