Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường thực hiện giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2023 do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 24/05/2023
Ngày có hiệu lực 24/05/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Bình Định, ngày 24 tháng 05 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN NĂM 2023

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái trung tính trong các tháng từ tháng 5-6/2023, sau đó trong nửa cuối năm 2023 có khả năng chuyển sang pha nóng (El Nino) với xác suất khoảng 70-80% và có thể kéo dài sang năm 2024. Nền nhiệt độ các tháng trong năm 2023 dự báo có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, số ngày nắng nóng trong năm 2023 xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Tổng nguồn nước các hồ chứa thủy lợi còn 477/682 triệu m3 đạt 70,0% dung tích thiết kế bằng 93% cùng kỳ năm 2022. Với tình hình nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài, có nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 397/CT-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện

- Tổ chức kiểm kê nguồn nước các hồ chứa thủy lợi được giao quản lý để xây dựng phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho vụ Hè và vụ Thu; chuyển đổi cây trồng phù hợp với nguồn nước hiện có, hạn chế tác động của thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

- Tổ chức thực hiện các giải pháp tưới tiết kiệm nước, lập kế hoạch dùng nước, lịch tưới, mức tưới tiết kiệm của từng đợt; chỉ đạo nạo vét kênh mương, kênh mương nội đồng, tạo thông thoáng đưa nhanh nước vào ruộng.

- Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định, trang https://pcttbinhdinh.gov.vn. hệ thống đo mưa chuyên dùng trên trang thông tin Vrain.vn để vận hành điều tiết các hồ chứa phù hợp. Trường hợp có mưa tiểu mãn cuối tháng 5 đầu tháng 6, cần trữ nước trong ruộng, đóng tất cả các cống lấy nước hồ chứa để giữ nước.

- Chỉ đạo UBND cấp xã: Củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở, đội thủy nông, thực hiện nghiêm việc giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi, tổ chức phân phối nước đến mặt ruộng theo kế hoạch tưới; tổ chức bảo trì thiết bị bơm, nạo vét bể hút, bể xả, vét kênh mương; thống kê các máy bơm hiện có trên địa bàn để huy động chống hạn khi cần thiết.

- Chỉ đạo các đơn vị cấp nước sạch do huyện quản lý: Kiểm kê nguồn nước, bảo trì thiết bị, đường ống từng nhà máy; các nhà máy cấp nước sạch sẵn sàng hoạt động đạt công suất tối đa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân, mở mạng cấp nước sạch đến hộ gia đình. Thống kê các thiết bị chứa, vận chuyển nước sạch hiện có trên địa bàn để huy động vận chuyển nước sạch đến các cụm dân cư bị thiếu nước.

- Tuyên truyền đến người dân về tình trạng nắng nóng bất thường, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước.

- Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng ngân sách của địa phương, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định;

- Đề xuất phương án ứng phó hạn trước ngày 28/5/2023. Báo cáo định kỳ về tình hình nguồn nước, hạn hán và báo cáo các hoạt động ứng phó hạn hán, thiệt hại (nếu có) vào sáng thứ 4 hàng tuần, gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh (qua email: trucbanpclb@gmail.com, thanhnd@snnptnt.binhdinh.gov.vn: ĐT 02563.547.281, fax 02563.647.229).

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phổ biến đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó; tính toán cân bằng nước cho mỗi hồ chứa lớn, mỗi hệ thống thủy lợi để xác định khả năng cung cấp nước; xây dựng phương án ứng phó hạn; kế hoạch điều tiết nước, chuyển nước, phân phối nước vào hệ thống bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vụ Hè và vụ Thu năm 2023.

- Chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch cấp nước theo từng công trình quản lý và thông báo đến địa phương về kế hoạch tưới nước, lập lịch bơm nước, kể cả phương án tưới luân phiên khi mực nước sông bị hạ thấp; phân công cán bộ kỹ thuật hỗ trợ các xã triển khai các biện pháp đưa nước vào nội đồng; đồng thời tổ chức bảo trì công trình, nạo vét các kênh dẫn nước; bảo trì các máy bơm, trạm bơm dã chiến để sẵn sàng bơm nước khi nắng nóng kéo dài. Tổ chức giao nhận nguồn nước cho các tổ chức thủy lợi cơ sở phải rõ ràng, cụ thể.

- Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn bảo trì giếng khai thác, thiết bị bơm, thiết bị xử lý nước, đường ống các nhà máy nước sạch nông thôn được giao quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch; sẵn sàng hỗ trợ nguồn nước sạch cho các vùng khác khi chính quyền địa phương có yêu cầu. Tổng hợp báo cáo tình hình cấp nước sạch nông thôn của cả tỉnh.

- Đôn đốc các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước sạch; chủ động tổ chức kiểm tra, tình hình hoạt động của các công trình cấp nước tập trung, mở mạng phân phối cấp nước đến hộ gia đình; ưu tiên mở các cụm vòi cấp nước sạch để người dân đến khai thác sử dụng.

- Đề xuất phương án ứng phó hạn trước ngày 30/5/2023. Báo cáo định kỳ về tình hình nguồn nước, hạn hán và các hoạt động ứng phó hạn hán, thiệt hại (nếu có) vào sáng thứ 5 hàng tuần. Tổng hợp kinh phí ứng phó hạn của các địa phương, cơ quan, đơn vị năm 2023, báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Tài chính

Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT, tham mưu UBND tỉnh kịp thời bố trí kinh phí hỗ trợ ứng phó hạn hán theo quy định; đồng thời, hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố ứng, cấp kinh phí kịp thời phục vụ công tác ứng phó với hạn hán.

4. Sở Công Thương

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT điều tiết nguồn nước các hồ chứa thủy điện một cách hợp lý; trong đó, ưu tiên bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh;

- Chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Định ưu tiên việc cấp điện cho các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhà máy cấp nước sinh hoạt cho dân sinh.

5. Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định

Tăng cường dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh, thường xuyên cung cấp cho các cơ quan liên quan và địa phương để phục vụ chỉ đạo ứng phó với hạn hán năm 2023.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định

Tăng thời lượng thông tin, về tình hình nắng nóng, có nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, các biện pháp chỉ đạo ứng phó của cơ quan có thẩm quyền để cộng đồng biết, chia sẻ và cùng hưởng ứng với chính quyền thực hiện tiết kiệm nước; biểu dương, khuyến khích những cá nhân, tổ chức tích cực và sáng tạo trong ứng phó với hạn hán.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ