Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước năm 2021 do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 09/CT-UBND
Ngày ban hành 10/05/2021
Ngày có hiệu lực 10/05/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Văn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 10 tháng 5 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Để phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 29/NQ- HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2021; đáp ứng yêu cầu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, thực hiện chính sách về an sinh xã hội và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung như sau:

- Thực hiện nghiêm Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 18/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021; Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 29/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia; chú trọng các giải pháp khắc phục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phục hồi tăng trưởng kinh tế nhằm tạo điều kiện hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần tăng nguồn thu, phấn đấu đạt tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt tối thiểu 5% so với dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

- Rà soát, sắp xếp sử dụng hợp lý tiết kiệm tài sản công. Đối với tài sản công không còn nhu cầu sử dụng, lập thủ tục đề xuất thanh lý, nhượng bán theo quy định và nộp NSNN. Riêng tài sản công là nhà, đất khi tổ chức bán đấu giá cần xác định mục đích sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất và có quyết định bán, thanh lý tài sản của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tổ chức rà soát, kiểm tra thực hiện nghiêm túc kiến nghị, kết luận của cơ quan kiểm toán, thanh tra; xử lý dứt điểm các vi phạm trong lĩnh vực tài chính, tổ chức thu hồi đầy đủ, kịp thời vào NSNN.

- Phối hợp với cơ quan Thuế trong việc ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý thu ngân sách để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng chủ yếu nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cụ thể:

1. Cục Thuế tỉnh:

- Chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý thuế và thu ngân sách năm 2021. Tập trung đề ra các giải pháp về quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu,... tham mưu, đề xuất các giải pháp xây dựng cơ sở thu, nguồn thu còn tiềm năng, nguồn thu mới phát sinh, các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu một cách tổng thể, bao quát, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu NSNN năm 2021 được giao.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hướng dẫn, phổ biến kịp thời các chính sách, pháp luật về thuế, phí, lệ phí; đặc biệt là các chính sách mới sửa đổi, bổ sung có hiệu lực trong năm 2021; tập trung triển khai có hiệu quả chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và các khoản thu NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người nộp thuế.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; nâng cao chất lượng dịch vụ thuế điện tử như kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thực hiện tốt cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuế, đặc biệt lưu ý ở những nơi không đặt trụ sở chính, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục thuế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển của doanh nghiệp và góp phần tăng nguồn thu đóng góp cho ngân sách.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, gian lận thuế; tập trung kiểm tra, nâng cao chất lượng kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; chú trọng đến các lĩnh vực rủi ro cao như lĩnh vực ưu đãi đầu tư; kinh doanh bất động sản; chuyển nhượng vốn, dự án; giao dịch liên kết, chuyển giá; các doanh nghiệp khai báo lỗ thường xuyên, âm thuế giá trị gia tăng liên tục, các doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, không phát sinh số thuế phải nộp; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, các lĩnh vực còn thất thu đối với hộ, cá nhân kinh doanh khoán thuế...

- Tăng cường công tác thu nợ, thực hiện đầy đủ các biện pháp thu nợ theo quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những người nộp thuế có số nợ lớn, chây ỳ nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế đến 31/12/2021 dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt nộp chậm theo quy định.

- Thực hiện quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh đảm bảo theo đúng quy định. Kiện toàn, củng cố Hội đồng tư vấn thuế; phối hợp điều tra doanh thu, xác định mức thuế khoán sát với thực tế kinh doanh, đảm bảo công khai, công bằng, đúng pháp luật thuế, chống thất thu, bỏ sót hộ; giám sát chặt chẽ việc ngừng, nghỉ kinh doanh của các cá nhân kinh doanh; các hoạt động cho thuê tài sản, mặt bằng nhằm chống thất thu lĩnh vực hộ, cá nhân kinh doanh khoán thuế.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác thu NSNN, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, của đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Sở Tài chính:

- Chủ trì theo dõi, tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện dự toán năm 2021; phối hợp cùng các ngành, địa phương, đơn vị liên quan phân tích, đánh giá nguồn thu, tiến độ thu để xây dựng kế hoạch thu ngân sách tích cực nhất; dự báo tình hình dịch bệnh, thiên tai để xây dựng các phương án phù hợp, đảm bảo tạo nguồn thu tích cực, hiệu quả và đề xuất, kiến nghị kịp thời để Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành ngân sách địa phương.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các quy định về mức thu đối với các khoản phí, lệ phí, các quy định về giá đất,... khi có sự thay đổi về chính sách, mức thu, đảm bảo phù hợp với thực tế; xử lý kịp thời các khoản ghi thu, ghi chi, các khoản phải nộp vào NSNN.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn trong việc miễn tiền thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính được giao đất không thu tiền nay chuyển sang thuê đất, nhưng phải nộp khoản truy thu tiền thuê đất cho thời gian sử dụng đất.

3. Kho bạc Nhà nước Tiền Giang:

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế địa phương trong việc khấu trừ thu thuế giá trị gia tăng các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính; xử lý kịp thời các khoản ghi thu, ghi chi ngân sách; phối hợp thu nợ đọng thuế, thực hiện các lệnh thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế phát hành. Thực hiện phối hợp rà soát, xử lý sai sót thông tin thu nộp ngân sách nhà nước với cơ quan Thuế, ngân hàng thương mại được ủy nhiệm thu.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kịp thời đưa dự án đầu tư công hoàn thành theo đúng tiến độ nhằm giúp dự án sớm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu cho NSNN.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp mới, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; khi giao đất, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh khuyến khích thành lập pháp nhân mới; khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh mở các chi nhánh tại tỉnh Tiền Giang thực hiện hạch toán độc lập, tăng nguồn thu đóng góp vào ngân sách tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều dự án triển khai trên địa bàn trong thời gian tới; trong đó đảm bảo khi doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn thì thành lập doanh nghiệp, kê khai và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính có liên quan ở tỉnh.

- Cung cấp kịp thời cho cơ quan thuế các thông tin về chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư có phát sinh nghĩa vụ thuế để quản lý thu đúng quy định.

[...]