Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2018 về tăng cường quản lý đất công ích và đất nông nghiệp khác do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Số hiệu | 09/CT-UBND |
Ngày ban hành | 19/04/2018 |
Ngày có hiệu lực | 19/04/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ngãi |
Người ký | Trần Ngọc Căng |
Lĩnh vực | Bất động sản |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 4 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẤT CÔNG ÍCH VÀ CÁC LOẠI ĐẤT NÔNG NGHIỆP KHÁC DO UBND CẤP XÃ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, ngày 13/6/1994, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 1033/QĐ-UB về việc ban hành quy định mức đất nông nghiệp trích lại dành cho nhu cầu công ích của các xã, phường, thị trấn (cấp xã), trong đó quy định quỹ đất công ích chi tiết đến cấp xã trên địa bàn tỉnh, đối với các xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn thì diện tích trích để lại không quá 5 %; đối với các xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trung bình và nhỏ thì diện tích trích để lại không quá 3%, khi xây dựng phương án giao đất của các địa phương thì hầu hết quỹ đất công ích được để lại đúng với quy định của UBND tỉnh, tuy nhiên thực tế quỹ đất công ích được để lại giữa phương án giao đất và diện tích thực tế do UBND cấp xã quản lý có sự chênh lệch lớn, vì những vùng đất chưa có hệ thống thủy lợi, đất sử dụng không có hiệu quả (đất xấu), đất xa khu dân cư thì địa phương không đưa vào phương án cân đối để giao đất cho hộ gia đình, cá nhân; đất thừa theo phương án, đặc biệt có địa phương để lại quỹ đất nông nghiệp mà không đưa vào hồ sơ quản lý đất công ích của xã;...
Từ kết quả thanh tra và theo dõi tình hình quản lý, sử dụng đất công ích và các loại đất khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập như: Nhiều nơi UBND cấp xã chỉ tổng hợp trên giấy tờ, sổ sách, chưa phù hợp với hiện trạng thực tế ngoài thực địa (thực địa biến động hoàn toàn khác so với số liệu trên sổ sách), các địa phương quản lý, sử dụng đất công ích còn buông lỏng, nhiều thửa đất công ích nằm phân tán, nhiều thửa nhập chung với thửa đất thổ cư của các hộ gia đình và chưa thể hiện đầy đủ thông tin thửa đất theo sổ sách, nhiều thửa đất chưa xác định được trong hồ sơ địa chính nhưng lại có trong danh sách thu tiền cho thuê đất; nhiều trường hợp giao khoán qua sổ sách nhưng không ký Hợp đồng thuê đất, ký Hợp đồng thuê đất nhưng hết thời hạn thì không thực hiện ký lại Hợp đồng thuê đất theo quy định; tình trạng lấn, chiếm, tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép xảy ra phổ biến ở nhiều nơi, nhất là các khu vực đô thị, ven đô thị, các vùng quy hoạch phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và vùng ven biển, hải đảo; nhiều trường hợp vi phạm chưa được chính quyền địa phương kiểm tra ngăn chặn kịp thời và xử lý triệt để theo quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai; tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến quỹ đất công ích, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để thực hiện dự án.
Để nâng cao hiệu quả quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh, khắc phục những yếu kém trong việc quản lý, sử dụng quỹ đất này và thực hiện nghiêm pháp luật đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. UBND các huyện, thành phố
a) Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc lập hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng, trong đó Trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách, Phó Ban trực là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, các thành viên Ban chỉ đạo do UBND huyện quyết định.
b) Chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan trực thuộc UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Lập Đề cương, nhiệm vụ và dự toán lập hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn cấp huyện, đảm bảo kế thừa dữ liệu của các dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã và đang thực hiện, đảm bảo không trùng lặp nội dung đã thực hiện; bố trí kinh phí ngân sách địa phương thực hiện trong năm 2018, 2019.
- Hoàn thành việc lập hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn cấp huyện trước ngày 31/12/2019.
- Rà soát, thống kê diện tích đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng; đồng thời cần làm rõ, xử lý những trường hợp diện tích giao khoán nhưng chưa ký Hợp đồng thuê đất, diện tích ký Hợp đồng thuê đất hết thời hạn nhưng không ký lại Hợp đồng thuê đất; diện tích do UBND xã quản lý mà để cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng không đúng quy định; giải quyết dứt điểm tình trạng lấn, chiếm, chuyển nhượng, tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép;...
- Hướng dẫn UBND cấp xã lập, ký kết Hợp đồng cho thuê quỹ đất công ích trên địa bàn cấp huyện.
- Phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi, Chi nhánh các huyện, thành phố hướng dẫn các địa phương chỉnh lý biến động khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để sử dụng vào mục đích khác.
- Tổng hợp, thống kê việc lập hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn cấp huyện.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng quỹ đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng để chấn chỉnh những tồn tại và xử lý nghiêm minh những sai phạm theo quy định của pháp luật, xem đây là công tác quan trọng trong việc quản lý đất đai.
c) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc chỉ đạo và lập hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng; chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để xảy ra vi phạm hoặc không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về việc quản lý, sử dụng quỹ đất nêu trên.
2. UBND cấp xã
a) Thành lập Tổ công tác thực hiện rà soát, kiểm tra việc lập hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng; trong đó Tổ trưởng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách, Thư ký là công chức địa chính xã, các thành viên của tổ do UBND cấp xã quyết định.
b) Xác nhận nguồn gốc sử dụng đất thống nhất giữa thực địa và các loại giấy tờ lưu tại địa phương; tổ chức lấy ý kiến công khai, minh bạch tại khu dân cư, tổ dân phố nơi có đất.
c) Chỉ đạo tổng hợp, thống kê toàn bộ quỹ đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn cấp xã; kiểm tra, rà soát thanh lý, xử lý những hợp đồng thuê đất đã hết thời hạn, những hợp đồng thuê đất chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng thời hạn; diện tích đất do UBND xã quản lý nhưng để cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng không đúng quy định; giải quyết dứt điểm tình trạng lấn, chiếm, chuyển nhượng, tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép;... Triển khai thực hiện ký Hợp đồng cho thuê quỹ đất công ích theo đúng quy định.
d) Chỉ đạo công chức địa chính xã theo dõi và cập nhật những biến động về quỹ đất công ích và các quỹ đất nông nghiệp khác do UBND xã quản lý, sử dụng. Trong quá trình quản lý có sự thay đổi chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách và công chức địa chính thì phải lập thủ tục bàn giao hồ sơ quỹ đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này theo quy định.
đ) Thời gian hoàn thành việc lập hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn cấp xã trước ngày 15/10/2019.
e) Xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa quỹ đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng tạo thành quỹ đất tập trung để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
f) Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về quản lý quỹ đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn cấp xã; chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để xảy ra vi phạm hoặc không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về việc quản lý, sử dụng quỹ đất nêu trên; quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp vào mục đích công ích phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 123 Luật Đất đai năm 2013.
g) Có trách nhiệm rà soát, kiểm kê trên thực địa và hồ sơ địa chính để thiết lập danh mục về vị trí, diện tích loại đất, tình trạng sử dụng các loại đất để làm cơ sở quản lý chặt chẽ và xây dựng phương án sử dụng đúng mục đích để công khai, đấu giá theo quy định của pháp luật. UBND cấp xã chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ, các giấy tờ có liên quan đối với thửa đất và phải kê khai đăng ký đất đai đầy đủ với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường.
h) Đối với các trường hợp UBND cấp xã đã cho các tổ chức, các đoàn thể và các hộ gia đình, cá nhân thuê, mượn không đúng quy định thì UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại đất để thực hiện quản lý, cho thuê theo đúng quy định. Tổ chức hợp đồng cho thuê quỹ đất công ích theo đúng quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Xây dựng biểu mẫu, đề cương báo cáo chung cho toàn tỉnh, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị thực hiện việc lập hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai để thực hiện rà soát, kiểm kê trên thực địa và hồ sơ địa chính, thiết lập danh mục về vị trí, diện tích, loại đất, tình trạng sử dụng đất, làm cơ sở quản lý chặt chẽ.