Chỉ thị 09/CT-BCT năm 2012 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 09/CT-BCT
Ngày ban hành 25/05/2012
Ngày có hiệu lực 25/05/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 09/CT-BCT

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, HỖ TRỢ THỊ TRƯỜNG

Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, Công ty, các Sở Công Thương chủ động bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, cụ thể là Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ được ban hành tại Quyết định số 443/QĐ-BCT ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các biện pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường như sau:

1. Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Tài chính, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

a) Khẩn trương rà soát, làm rõ và xác định những nhiệm vụ, công việc cụ thể trong từng chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch… để tập trung nguồn lực nhằm tháo gỡ, giải quyết, xử lý trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo các yêu cầu về hiệu quả đầu tư, sản xuất, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kinh tế, năng lượng.

b) Tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả và theo đúng quy định.

c) Cho phép mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết 11/NQ-CP và đã được chuyển sang năm 2012.

d) Thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư từ nước ngoài.

đ) Thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó chú trọng thu hút làn sóng đầu tư mới, quy mô lớn và công nghệ cao.

e) Bảo đảm các điều kiện cần thiết để tăng cường thu hút, giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong đó chú trọng giải phóng mặt bằng, bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực điện, giao thông.

g) Thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, dịch vụ.

2. Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, các Vụ thị trường ngoài nước, các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp: Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ theo hướng chủ động tích cực, bảo đảm hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ xúc tiến thương mại cả trong nước và ngoài nước; Tăng cường các chương trình liên kết tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa địa phương và các hiệp hội ngành hàng để tạo đầu ra cho hàng hóa; Sớm ký các hiệp định thương mại với các đối tác. Thực hiện rà soát việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2012, xây dựng phương án hỗ trợ bổ sung, trong đó tập trung để mở rộng thị trường có tiềm năng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Các Vụ thị trường ngoài nước chủ trì, phối hợp với Vụ Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng và các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động thương mại và xúc tiến thương mại thời gian qua, xác định các nhóm sản phẩm thương mại và các địa bàn, thị trường trọng điểm để có các kế hoạch và xúc tiến mở rộng thị trường đảm bảo các mục tiêu về tăng trưởng và phát triển thị trường một cách bền vững.

4. Cục Quản lý cạnh tranh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu triển khai quyết liệt và triệt để các biện pháp giúp doanh nghiệp và các ngành trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại tại các địa bàn và thị trường trọng điểm, bảo vệ hiệu quả lợi ích của doanh nghiệp và các ngành, các địa phương. Đồng thời, có các biện pháp kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng… các biện pháp và giải pháp phòng tránh và giải quyết các tranh chấp thương mại tại các thị trường bên ngoài một cách kịp thời và có hiệu quả.

5. Vụ Chính sách thương mại đa biên chủ trì, phối hợp với Vụ Xuất nhập khẩu, các Vụ thị trường ngoài nước, Vụ Hợp tác quốc tế… tổ chức nghiên cứu và đề xuất các phương án khai thác các cơ chế hợp tác hiện hữu: các FTA, các hiệp định thương mại song phương, đa phương, các cơ chế ủy ban hỗn hợp, ủy ban liên chính phủ… để có biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, các bộ, ngành, địa phương… trong các hoạt động xúc tiến tìm kiếm thị trường cho thương mại, dịch vụ và đầu tư.

6. Các Vụ thị trường ngoài nước chỉ đạo các thương vụ, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm nghiên cứu nắm bắt và cung cấp thông tin, thúc đẩy các hoạt động mở rộng thị trường thương mại sở tại, báo cáo các biện pháp, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường đối tác. Đặc biệt quan tâm thúc đẩy các dự án, hợp đồng quan trọng cho các mặt hàng, ngành hàng chủ lực của ta (gạo, thủy sản, dệt may, đồ gỗ…).

7. Các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ cần nghiên cứu sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với các nhiệm vụ trong kế hoạch năm nhằm đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

8. Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại miền núi, các Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan: Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng bình ổn giá, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón,…

9. Tổ chức thực hiện

- Lãnh đạo Bộ theo lĩnh vực công tác được phân công, giúp Bộ trưởng chỉ đạo xuyên suốt các hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở Công Thương thực hiện Chỉ thị này.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Công ty, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả thực hiện về Vụ Kế hoạch trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước phiên họp Chính phủ hàng tháng.

- Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị; định kỳ hàng tháng tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng tình hình, kết quả triển khai thực hiện (kết hợp với báo cáo tình hình hoạt động của ngành) tại các buổi họp giao ban thường kỳ hàng tháng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10 tháng 12 năm 2012./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, Viện, Trường, Trung tâm thuộc Bộ;
- Các Cục, Vụ, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Đăng MOIT;
- Lưu: VT, KH (2).

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ