Chỉ thị 08/CT-UBND tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu | 08/CT-UBND |
Ngày ban hành | 16/04/2024 |
Ngày có hiệu lực | 16/04/2024 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Nam |
Người ký | Hồ Quang Bửu |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Quảng Nam, ngày 16 tháng 4 năm 2024 |
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, hiện tượng ENSO duy trì trạng thái trung tính từ nay đến khoảng tháng 6/2024, với xác suất từ 80-90%; dự báo, từ tháng 4 năm 2024, nắng nóng sẽ gia tăng về cường độ và có khả năng xuất hiện nắng nóng gay gắt nhiều hơn so với TBNN trong tháng 7 đến tháng 8 năm 2024 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Công văn số 2605/BNN-TL ngày 10/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập; kịp thời ứng phó với ảnh hưởng thời tiết cực đoan và giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Các Sở, Ban, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân thấy rõ về tình hình thời thời tiết nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn nước thích hợp để sử dụng có hiệu quả; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để tập trung vào công tác phòng, chống hạn và nhiễm mặn.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 630/UBND-KTN ngày 24/01/2024 về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất, sinh hoạt, đồng thời chủ động có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.
- Tổ chức cập nhật, phê duyệt phương án ứng phó với thời tiết nắng nóng gây hạn hán, thiếu nước và mặn xâm nhập trên địa bàn và chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết nắng nóng gây ra.
- Tổ chức kiểm tra nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, đập dâng, tính toán cân đối nguồn nước để xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán do thiếu nước để bố trí cây trồng phù hợp; đối với vùng trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước, hiệu quả sản xuất thấp, vận động Nhân dân chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp. Đặc biệt lưu ý đối với tình hình nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi: Hố Giếng (huyện Quế Sơn); Trà Cân, Hố Chình, Hóc Lách, Ồ Ồ, Cây Xoay (huyện Đại Lộc); Hóc Bầu, Hóc Kết (huyện Duy Xuyên), Bà Sơn (huyện Hiệp Đức), Cây Sanh (huyện Phú Ninh), Hóc Hương, Hố Cái, Hóc Thầy, Hóc hạ, Phước Bình, Xai Bai (huyện Nông Sơn); Dương Hòa (huyện Bắc Trà My); Hố Trầu (huyện Núi Thành).
- Củng cố hoạt động của các tổ chức Hợp tác dùng nước để tổ chức theo dõi, vận hành cấp nước tưới tiết kiệm và hiệu quả.
- Chỉ đạo các địa phương tổ chức ra quân, huy động Nhân dân thực hiện công tác nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ, đào ao trữ nước, đóng giếng, lắp đặt trạm bơm dã chiến, thu giữ nguồn nước hồi quy, đắp bờ giữ nước, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất.
- Trực tiếp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn gây ra; phân công trách nhiệm, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập năm 2024 có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các biện pháp trữ nước, xử lý nước trong trường hợp không có nước sạch và sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
- Rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt, đánh giá khả năng nguồn nước cấp cho sinh hoạt (bao gồm cả nguồn dự phòng) để chủ động tổ chức các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt. Huy động trang thiết bị phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, như thiết lập các điểm cấp nước tập trung, bồn trữ nước, máy lọc nước, hóa chất xử lý nước; không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.
- Chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt.
- Chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ cấp nước tự phát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng điều kiện thiếu nước sinh hoạt để trục lợi thông qua cấp nước sinh hoạt với giá cao.
- Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập; ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư sửa chữa các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, công trình thủy lợi, công trình ngăn mặn giữ ngọt để đảm bảo phục vụ cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định.
- Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn về Sở Nông nghiệp và PTNT để theo dõi, chỉ đạo.
- Tổ chức triển khai thực hiện Phương án ứng phó thiên tai năm 2024 đối với khu tưới, công trình do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý (Phương án số 298/PA-SNN&PTNT ngày 26/01/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 275/QĐ-UBND ngày 02/02/2024)
- Thực hiện kiểm tra nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, đập dâng, tính toán cân đối nguồn nước và chủ động báo cáo, tham mưu kịp thời UBND huyện, thị xã, thành phố sớm có kế hoạch chỉ đạo việc chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích không đảm bảo nguồn nước tưới; đặc biệt lưu ý đối với các hồ chứa có mực nước thấp hơn cao trình mực nước lớn nhất theo quy trình: Phú Ninh, Phước Hà, Đông Tiễn, Hố Giang.
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hợp tác dùng nước xây dựng kế hoạch giao, nhận nước cụ thể đối với từng tuyến kênh, khu tưới; tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng để cấp nước phù hợp; thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, tưới luân phiên, tưới ướt, khô xen kẽ.
- Tính toán cân đối nguồn nước tại hồ chứa nước Phú Ninh, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước và tổ chức vận hành, hệ thống kênh chính Bắc để đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất trên toàn hệ thống; đặc biệt, lưu ý đối với các khu tưới cuối kênh tại huyện Thăng Bình và huyện Duy Xuyên.
- Trong các đợt xả nước của các hồ thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, huy động tối đa công suất, thời gian vận hành các trạm bơm điện để sử dụng nước hiệu quả cao nhất.
- Đối với các trạm bơm lấy nước trên các sông thường xuyên bị nhiễm mặn (sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bàn Thạch...), cần tăng cường công tác quan trắc độ mặn, tuyệt đối không vận hành bơm tưới cho cây trồng khi nồng độ mặn lớn hơn 0,8‰.
- Thường xuyên báo cáo công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước và mặn xâm nhập về Sở Nông nghiệp và PTNT để theo dõi, chỉ đạo.