Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020
Số hiệu | 08/CT-UBND |
Ngày ban hành | 05/04/2019 |
Ngày có hiệu lực | 05/04/2019 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ngãi |
Người ký | Trần Ngọc Căng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 05 tháng 04 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2016-2020
Các Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình) hơn hai năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng. Thông qua Chương trình đã hỗ trợ cho 55 lượt doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; 8 lượt doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ; 43 lượt doanh nghiệp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và tham gia Hội chợ, với tổng kinh phí hỗ trợ 5.202,67 triệu đồng. Chương trình đã tạo động lực và bước phát triển mới trong cộng đồng các doanh nghiệp ở tỉnh, nhất là trong lĩnh vực chế biến, bảo quản hạt giống và chế biến gỗ rừng trồng; góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng thu nhập cho người lao động và doanh nghiệp, giảm tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp cận, vận dụng thành công những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế nhất định, số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình chưa nhiều, phạm vi triển khai thực hiện còn hẹp, đối tượng và ngành nghề chưa đa dạng. Chương trình đổi mới công nghệ thiết bị chủ yếu tập trung ở lĩnh vực chế biến, bảo quản lúa giống và chế biến gỗ, chưa có các dự án tham gia thuộc các lĩnh vực như chế biến thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, dệt may, sản xuất phân bón, tái chế và xử lý chất thải... Chương trình phát triển tài sản trí tuệ chủ yếu tập trung ở nhãn hiệu hàng hóa thông thường, số lượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng được cấp văn bằng bảo hộ còn ít. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng ,các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, phát huy những thành tựu đạt được, thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện thành phố và các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Khoa học và Công nghệ:
a) Tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong việc đổi mới thiết bị công nghệ; đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hóa để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
b) Chú trọng hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để cung cấp kiến thức, kỹ năng trong xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng và đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát thực tế, tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký tham gia và triển khai thực hiện các nội dung Chương trình phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
c) Tham mưu UBND tỉnh mở rộng hỗ trợ các nội dung chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 24/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tổng sản phẩm GDP của tỉnh, nâng mức hỗ trợ một số nội dung chương trình tương thích với các địa phương khác; đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ cho doanh nghiệp tham gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia chương trình.
2. Sở Công Thương:
a) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát, vận động doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới thiết bị - công nghệ phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp và các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh.
b) Cung cấp kịp thời thông tin các doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình khuyến công để tránh việc hỗ trợ trùng lắp.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Thông tin, tuyên truyền nội dung các Chương trình đến các cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư và cấp quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh để các cá nhân, doanh nghiệp mới thành lập nắm bắt các nội dung của Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020.
4. Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc cân đối, bố trí, thẩm định và cấp phát kinh phí hỗ trợ các đối tượng, dự án tham gia Chương trình.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nắm vững nội dung Chương trình về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị.
6. Báo Quảng ngãi, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh:
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời nội dung và kết quả thực hiện Chương trình đến cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
7. Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Doanh nghiệp tỉnh:
Nâng cao vai trò cầu nối, nắm bắt nhu cầu trong việc đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng các công cụ cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng, đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để hỗ trợ, hướng dẫn tham gia Chương trình.
8. UBND các huyện, thành phố:
a) Phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc khảo sát nắm bắt nhu cầu ứng dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn, nhất là nhu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp.
b) Có kế hoạch, đề án tạo lập hồ sơ đăng ký, quản lý bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm hàng hóa đặc thù, chủ lực của địa phương và phân công đơn vị cụ thể triển khai thực hiện việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
9. Các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh):
a) Có kế hoạch, lộ trình thực hiện đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và xác lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
b) Chủ động trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các tổ chức liên quan để được hướng dẫn đăng ký tham gia Chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ thiết bị của địa phương và Trung ương.