Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2015 tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 25/06/2015
Ngày có hiệu lực 25/06/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Y Dhăm Ênuôl
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Đắk lắk, ngày 25 tháng 06 năm 2015

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh và cộng đồng dân cư được nâng lên.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa như hiện nay chất lượng môi trường đang xấu đi, ô nhiễm môi trường đang lan rộng, tài nguyên, thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, thiếu sự kiểm soát, đa dạng sinh học bị suy giảm; biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn do nguyên nhân chủ quan như: các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội chưa đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường chưa đồng đều; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, sự phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa rõ ràng; ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư tuy đã có nâng cao một bước nhưng chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự phát triển bền vững, có lúc, có nơi vẫn còn tư tưởng coi trọng tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ việc bảo vệ môi trường còn tồn tại trong một số cán bộ quản lý, điều hành, người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đồng thời nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường, UBND tỉnh yêu cầu: các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Đối với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính Phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn đến người dân, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội nhất là trong cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức và tự giác thực hiện bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm của đơn vị mình đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế đối với từng ngành, từng địa phương;

- Có trách nhiệm thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của mình, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục và thể hiện bằng các hoạt động thiết thực về bảo vệ môi trường. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt, điển hình; đồng thời, xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện làm tốt công tác đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư và dự án cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt, xác nhận. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, công tác thẩm định các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực môi trường và nâng cao năng lực quan trắc, phân tích, giám sát chất lượng môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh kiện toàn tổ chức, bộ máy chuyên môn bảo vệ môi trường từ tỉnh đến huyện, tổ chức các lớp tập huấn công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cho các Sở, ban, ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội nhằm nâng cao năng lực quản lý, tăng cường công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các tỉnh lân cận giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường của khu vực Tây Nguyên.

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường- tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những quy định không phù hợp.

3. Giao Sở Tư pháp

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong soạn thảo và thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Yêu cầu các chủ đầu tư công trình thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật bảo vệ môi trường, bảo đảm tỷ lệ vốn hợp lý để thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường; cấp phép đầu tư cho các dự án mới phải phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh.

- Căn cứ quy hoạch tổng thể của tỉnh, quy hoạch ngành để hướng dẫn các doanh nghiệp đến đầu tư lựa chọn ngành nghề phù hợp với quy hoạch.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đối với các dự án xử lý môi trường, xử lý chất thải rắn, nước thải và các dự án ứng dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài chính

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành kịp thời các quy định về phí bảo vệ môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp dự toán chi sự nghiệp môi trường của các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua tổng mức chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách tỉnh hàng năm, đảm bảo không thấp hơn chỉ tiêu hướng dẫn chi sự nghiệp môi trường do Bộ Tài chính quy định.

6. Sở Xây dựng

- Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai định hướng phát triển thoát nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2030;

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và các quy định khác có liên quan đến hoạt động xây dựng; tổ chức điều chỉnh Quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn đô thị, khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

7. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đối với các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch.

- Rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển ngành công nghiệp của tỉnh đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất ngành công thương bị ô nhiễm trong các khu đô thị di dời đến các khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung.

[...]