Chỉ thị 08/2009/CT-UBND về đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 08/2009/CT-UBND |
Ngày ban hành | 09/05/2009 |
Ngày có hiệu lực | 19/05/2009 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Lê Hoàng Quân |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2009/CT-UBND |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 5 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong thời gian qua, nhất là từ khi Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Văn bản số 5152/UBND-ĐTMT ngày 10 tháng 8 năm 2007 về tập trung thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố đã có diễn biến khá tốt, tai nạn giao thông trong năm 2008 đã giảm đáng kể so với năm 2007 trên cả 3 mặt: số vụ tai nạn giao thông giảm 226 vụ (-16,36%), số người chết do tai nạn giao thông giảm 129 người (-11,54%), số người bị thương giảm 377 người (-47,51%); ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông tốt hơn.
Tuy nhiên, kết quả nói trên chưa đạt yêu cầu như mong muốn và chưa thật sự bền vững do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong những tháng đầu năm 2009 lại có chiều hướng xấu đi, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, cần phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn nữa với nhiều biện pháp của tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương và nhân dân mới có thể giảm thiểu tai nạn giao thông và kiềm chế ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2009 của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở - ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Công an thành phố:
- Tăng cường hoạt động tuần tra, xử lý, nhất là trên các tuyến đường và vào thời gian thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, nơi có khả năng phát sinh các hiện tượng gây rối trật tự công cộng như: tụ tập thành từng nhóm xe gắn máy chạy lạng lách, đánh võng, hoặc có dấu hiệu đua xe trái phép; tập trung phát hiện, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm là nguyên nhân cơ bản trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.
- Phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố thực hiện thí điểm việc kết hợp xử lý hành chính với giáo dục pháp luật đối với người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ngoài việc xử phạt theo Thông tư liên tịch số 04/TTLT-CA-GTVT ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải về học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với các trường hợp vi phạm bị tước giấy phép lái xe, sử dụng hình thức phạt bổ sung, buộc người vi phạm xem trưng bày hình ảnh, phim tư liệu về nguyên nhân, hiện trường và các hậu quả do tai nạn giao thông gây ra nhằm nâng cao hiệu quả tính giáo dục, khuyến cáo đối với người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; có biện pháp nâng cao tỷ lệ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm qua hình ảnh.
- Rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 22/2007/TT-BCA ngày 12 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công an hướng dẫn việc thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.
- Bố trí đủ lực lượng tại các giao lộ, các vị trí có rào chắn thi công công trình chiếm dụng mặt đường, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm để điều hòa giao thông, kịp thời giải tỏa nhanh các hiện tượng gây ùn tắc giao thông.
- Phối hợp với Đoàn Kiểm tra liên ngành đường bộ, đường sắt (Đoàn Kiểm tra Nghị định 14/CP) thuộc Ban An toàn giao thông thành phố để tăng cường khảo sát, tổ chức giao thông trên các tuyến đường trọng điểm, các quốc lộ, lập hồ sơ đề xuất giải quyết các điểm đen về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
- Phối hợp với Đoàn Kiểm tra liên ngành đường thủy (Đoàn Nghị định 09/CP) thuộc Ban An toàn giao thông thành phố để tăng cường kiểm tra trên các tuyến thủy nội địa thành phố; xử lý nghiêm các phương tiện thủy không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, vi phạm về điều kiện đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện thủy không có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn hoặc có giấy phép, chứng chỉ không phù hợp.
- Cung cấp kịp thời thông tin hàng ngày về số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông cho các cơ quan báo, đài để cập nhật thông tin, ghi hình, biên tập và phát sóng.
2. Sở Giao thông vận tải:
- Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ để kịp thời sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật: duy tu, sửa chữa cầu, đường bộ, đèn chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông, cọc tiêu biển báo hiệu giao thông; phục hồi các vạch sơn dừng xe tại giao lộ, vạch sơn cho người đi bộ băng ngang đường, vạch sơn phân luồng trên các tuyến đường đạt chất lượng theo quy định.
- Tăng cường kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm đối với các đơn vị thi công đào đường không đúng tiến độ, không thực hiện đầy đủ các quy định về thiết lập, tổ chức quản lý công trường thi công (bảng thông tin công trường, phương án điều tiết giao thông, phương án đào đường và tái lập mặt đường…).
- Có kế hoạch cải thiện hoạt động xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút hành khách, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, sinh viên, học sinh và nhân dân thành phố sử dụng xe buýt để đi lại, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
- Tăng cường quản lý công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; tổ chức giám sát chặt chẽ việc sát hạch để bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, công khai; tăng cường chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thực hiện nhiệm vụ đúng quy định.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố, Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố để xây dựng và thực hiện thí điểm chương trình giáo dục về trật tự an toàn giao thông cho học sinh tiểu học, đề xuất kế hoạch tổ chức giảng dạy trật tự an toàn giao thông ở các cấp học khác từ năm học 2009 - 2010; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông và văn minh nơi công cộng.
- Vận động phụ huynh và tất cả học sinh (kể cả học sinh mẫu giáo và tiểu học) đều đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy; giáo dục, yêu cầu học sinh đi xe đạp điện làm quen việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
- Phối hợp với Công an thành phố để tăng cường ngăn chặn và xử lý nghiêm những học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là vào giờ đến trường và giờ tan trường.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan báo chí thành phố để lập chuyên trang, chuyên mục và tăng tần suất đăng, phát tin, bài tuyên truyền phổ biến về văn minh đô thị và Luật Giao thông đường bộ năm 2008; về Luật Giao thông đường thủy nội địa; về các quy định về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; trật tự lòng, lề đường cùng các quy định pháp luật xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.
- Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố có trách nhiệm thực hiện các bản tin, phóng sự ngắn về tình hình trật tự an toàn giao thông thành phố, phát sóng trước và sau chương trình chính mỗi ngày vào giờ có đông người nghe, xem đài.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố để xây dựng tiêu chí và phương án tuyên truyền bằng pa nô và các hình thức khác về trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị; nghiên cứu, đề xuất các hình thức tuyên truyền hiệu quả, bảo đảm mỹ quan đô thị và phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố (thay thế hình thức tuyên truyền bằng băng rôn ngang, dọc trên đường phố), trình Ủy ban nhân dân thành phố duyệt trong quý II năm 2009.
- Chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Văn hóa thành phố, Trung tâm Thông tin Triển lãm thành phố và hướng dẫn Trung tâm văn hóa các quận - huyện xây dựng các chương trình, tiết mục, tuyên truyền cổ động về đề tài bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông và văn minh đô thị.