Chỉ thị 07/CT-VKSTC năm 2016 về tăng cường công tác quản lý tài chính trong ngành kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | 07/CT-VKSTC |
Ngày ban hành | 05/04/2016 |
Ngày có hiệu lực | 05/04/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký | Nguyễn Hòa Bình |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-VKSTC |
Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Trong những năm qua, công tác quản lý tài chính của các đơn vị trong toàn ngành đã có bước chuyển biến rõ rệt. Kinh phí được cấp đã bảo đảm tốt hoạt động thường xuyên, hoạt động đặc thù thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, hệ thống trụ sở làm việc khang trang hơn, trang thiết bị và phương tiện làm việc từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, công tác quản lý tài chính ở các đơn vị nhiều khâu chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ mới của Ngành. Công tác lập dự toán của một số đơn vị chưa kịp thời, số liệu tổng hợp chưa chính xác (quỹ tiền lương), phân bổ dự toán cho các đơn vị trực thuộc chưa đảm bảo phù hợp với khối lượng công việc. Việc thực hiện dự toán ngân sách được giao hằng năm và công tác quản lý tài sản công của một số đơn vị trong Ngành vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tiết kiệm, hiệu quả trong khi nguồn ngân sách nhà nước cấp cho ngành Kiểm sát còn nhiều khó khăn.
Để thực hiện hiệu quả dự toán ngân sách, bảo đảm tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành, đặc biệt là trong điều kiện toàn ngành đang tiếp tục triển khai nhiệm vụ theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và một số đạo luật mới về tư pháp có hiệu lực từ năm 2016, theo đó Bộ luật hình sự năm 2015 chuyển hóa rất nhiều hành vi trước đây là vi phạm hành chính, nay được coi là tội phạm (từ Điều 218 đến Điều 224). Vì vậy, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị dự toán trong ngành Kiểm sát nhân thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Quán triệt các quy định mới của pháp luật về ngân sách nhà nước (về chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, v.v...) để tổ chức thực hiện, kể cả các quy định có liên quan của Bộ luật hình sự năm 2015 (từ Điều 218 đến Điều 224) để tránh vi phạm pháp luật.
2. Việc phân bổ dự toán cho các đơn vị dự toán trực thuộc phải phù hợp với khối lượng công việc, đặc biệt là số lượng án, đặc thù vùng miền. Đồng thời, phân bổ dự toán phải đúng các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, hướng dẫn của Ngành, quyết định giao ngân sách của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quy định về ủy quyền điều chỉnh dự toán của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
3. Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách phải đề ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, tránh thất thoát, lãng phí. Thực hiện chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, bảo đảm đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định. Chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm các khoản chi không cần thiết và chưa thực sự cấp bách, đề ra các biện pháp thiết thực để tiết kiệm về chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, mua sắm tài sản v.v... Công tác khen thưởng phải bảo đảm phát huy hiệu quả và đúng đối tượng. Chấm dứt ngay tình trạng khen thưởng tràn lan, phản tác dụng. Việc cử cán bộ đi công tác trong và ngoài nước phải thực sự cần thiết, số lượng cán bộ được cử đi công tác phải được cân nhắc kỹ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các đơn vị theo quy định của Chính phủ. Đẩy mạnh khai thác hệ thống truyền hình trực tuyến, hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức hội nghị, hội thảo theo hình thức tập trung.
Công tác thanh, quyết toán các khoản kinh phí phải đảm bảo đầy đủ thủ tục, chứng từ theo quy định của pháp luật, phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên hệ thống sổ sách và báo cáo tài chính của đơn vị.
4. Việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, việc sử dụng xe công, đặc biệt là xe ô tô chuyên dùng phải đúng mục đích, quy định của Nhà nước và của Ngành, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ của đơn vị. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng xe công.
5. Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và hướng dẫn của Ngành về công tác đầu tư, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong toàn ngành. Chủ đầu tư cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, tiến độ, chất lượng dự án đầu tư.
6. Việc xây dựng các đề án phải bảo đảm hiệu quả, đáp ứng thực tiễn công tác và được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định. Dự toán kinh phí cho việc nghiên cứu, xây dựng đề án phải được tính toán chặt chẽ, bảo đảm chế độ theo đúng quy định của Nhà nước. Tuyệt đối không cấp kinh phí cho những đề án không thiết thực, không mang lại hiệu quả hoặc các đề án có nội dung thuộc công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Phân công trách nhiệm các đơn vị như sau:
- Các đơn vị chủ trì đề xuất gửi về Vụ Pháp chế và quản lý khoa học kèm theo thuyết minh về sự cần thiết phải xây dựng đề án và dự toán đã được Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thẩm định, phê duyệt.
- Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ chế độ chi tiêu hiện hành của Nhà nước để thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí xây dựng đề án.
- Vụ Pháp chế và quản lý khoa học có trách nhiệm tập hợp đề nghị xây dựng đề án của các đơn vị báo cáo Hội đồng khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao thẩm định trước khi trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.
7. Chú trọng chất lượng, hiệu quả công tác lập dự toán ngân sách nhà nước, chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định của Nhà nước và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc lập dự toán phải căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính, của Ngành, khả năng ngân sách, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tiết kiệm nhưng vẫn bảo đảm kinh phí hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.
8. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp, nhằm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách, tài sản nhà nước. Kịp thời phát hiện, giải quyết vướng mắc, phát sinh và xử lý nghiêm những vi phạm trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Chỉ thị này, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức trong toàn Ngành để thực hiện tốt công tác quản lý tài chính.
Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Chánh thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp báo cáo việc thực hiện Chỉ thị này./.
|
VIỆN
TRƯỞNG |