Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2021 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 04/02/2021
Ngày có hiệu lực 04/02/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 04 tháng 02 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ THI HÀNH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có nhiều chuyển biến tích cực, thành phố đã ban hành được nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố. Các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố đã được rà soát thường xuyên, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ, hướng tới việc hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật do thành phố ban hành.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Tiến độ xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, còn tình trạng xin lùi, hoãn sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt giao nhiệm vụ; việc đánh giá tác động của một số chính sách khi trình ban hành chưa kỹ, còn mang tính hình thức; việc tổ chức thi hành pháp luật còn có sai phạm, chưa đồng bộ, trách nhiệm chưa rõ ràng, đặc biệt việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố sau khi ban hành còn chậm, lúng túng trong thực hiện tại một số cơ quan, địa phương... Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, bất cập nêu trên là lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, thường xuyên; cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thực hiện còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố như sau:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố

- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; xác định xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của thành phố trong phạm vi lĩnh vực quản lý được Trung ương giao quy định chi tiết hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, tình hình thực tiễn của thành phố.

- Quan tâm đến chất lượng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện đánh giá chính sách kỹ càng, đảm bảo hiệu quả, khả thi và dự liệu được các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách; các dự thảo có nội dung mới, phức tạp cần nghiên cứu lập Đề án cụ thể để bảo đảm nguồn lực thực hiện. Nâng cao tính dự báo, bảo đảm tính ổn định, hạn chế tình trạng xin lùi, hoãn việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Có giải pháp cụ thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý của ngành. Trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch tổ chức thi hành văn bản pháp luật mới do Trung ương hoặc thành phố ban hành và theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

- Kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ trong thực tiễn thi hành pháp luật.

2. Sở Tư pháp

- Phát huy vai trò là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị; tích cực hướng dẫn, định hướng các sở, ban, ngành tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

- Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết không thẩm định các dự thảo không đảm bảo chất lượng, hồ sơ thủ tục chưa đúng theo quy định hiện hành. Có giải pháp đảm bảo thẩm định các tiêu chí về tính khả thi của dự thảo, chi phí tuân thủ pháp luật, tính tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát và theo dõi thi hành pháp luật theo chuyên đề, lĩnh vực, tập trung kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố kiểm soát chặt chẽ các đề nghị về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như đề xuất lùi, hoãn việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ trì, đảm bảo tiến độ, chất lượng văn bản ban hành.

3. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố

- Phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì thảo luận, nghe báo cáo hoặc tổ chức hội thảo góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, phức tạp, các văn bản có quy định cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố để nâng cao chất lượng nội dung văn bản, tính hiệu quả của chính sách ngay từ giai đoạn soạn thảo.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định văn bản trong việc tiếp thu ý kiến thành viên Ủy ban nhân dân thành phố, từng bước hoàn thiện dự thảo và rút ngắn thời gian trình ban hành.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét lùi, hoãn tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành.

4. Sở Tài chính

Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập dự toán và bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm tra, rà soát hệ hóa văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật theo quy quan tâm bố trí kinh phí theo cơ chế lập Đề án đối với các dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, quy định các cơ chế, chính sách mới, đặc thù hoặc có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc có phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện

- Tăng cường chỉ đạo công tác tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm và hiệu quả tại địa phương; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ thi hành pháp luật; kịp thời kiến nghị, phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật.

- Khi phát sinh nhu cầu từ thực tiễn, chủ động nghiên cứu, đề xuất và phối hợp với các sở, ngành để trình thành phố ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, yêu cầu quản lý của thành phố đảm bảo phù hợp thực tiễn địa phương.

- Tích cực, chủ động phối hợp tham gia công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do các sở, ban, ngành chủ trì soạn thảo, góp ý xây dựng nội dung văn bản phù hợp với yêu cầu thực tế quản lý của địa phương.

Thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện (khi có yêu cầu) qua Sở Tư pháp để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ