Chỉ thị 07/2007/CT-UBND về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 do tỉnh Quảng Trị ban hành

Số hiệu 07/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 25/06/2007
Ngày có hiệu lực 05/07/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Lê Hữu Phúc
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2007/CT-UBND

Đông Hà, ngày 25 tháng 6 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2008

Năm 2008 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Năm 2008, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục đà phát triển của năm 2007, kinh tế cả nước tiếp tục hội nhập sâu hơn, cơ hội và thách thức ngày càng lớn, đan xen lẫn nhau; đổi mới nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện đã tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội để khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh cho phát triển, tạo đà cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010 của tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức; tập trung triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 với những yêu cầu và nội dung chủ yếu sau:

A. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2008

I. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội:

1. Nhiệm vụ phát triển kinh tế:

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong năm 2008 và các năm tiếp theo. Phấn đấu GDP năm 2008 tăng 12,5-13% so với năm 2007; trong đó ngành nông lâm ngư nghiệp tăng 4-4,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 25-26% và dịch vụ tăng 10-11%. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đa dạng hoá các hình thức thu hút vốn đầu tư và loại hình đầu tư, tận dụng tốt nội lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Phát triển và quản lý tốt các hình thức đầu tư gián tiếp để đa dạng hoá nguồn đầu tư gắn với việc áp dụng những công cụ quản lý có hiệu quả. Tăng cường công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư, ưu tiên đầu tư vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, các khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, các khu công nghiệp các huyện thị trong tỉnh ... Tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng, tăng cường công tác thanh tra nhằm đảm bảo chất lượng của công trình, kiến quyết ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham ô, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các công trình trọng điểm của tỉnh.

Duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của ngành nông, lâm, ngư nghiệp trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng con nuôi trong nội bộ ngành; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, phát triển ổn định các vùng nguyên liệu nông lâm thuỷ sản cho công nghiệp chế biến; áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả đầu tư. Phát triển nhanh chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và an toàn; khuyến khích phát triển các vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, gắn với cơ sở chế biến tập trung và xử lý chất thải. Phát triển lâm nghiệp phù hợp với tiềm năng và định hướng quy hoạch các ngành.

Phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và có tiềm năng, nhất là công nghiệp chế biến, gắn liền với tăng khả năng xuất khẩu; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao gắn với việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp. Hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề, khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng, phấn đấu “một làng một nghề” đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tham gia xuất khẩu.

Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ đi đôi với nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh lưu thông hàng hoá thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Thực hiện các biện pháp để các doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp, đổi mới sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Đánh giá đúng những thuận lợi, cơ hội phát triển và đặc biệt là những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập vào kinh tế thế giới và khu vực. Thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu phát triển đi đôi với việc mở rộng thị trường và hiệu quả xuất khẩu…Chủ động thực hiện đề án tăng cường khai thác lợi thế hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn vốn phi chính phủ (NGO).

2. Nhiệm vụ về xã hội:

Nâng cao năng lực khoa học công nghệ đi đôi với tăng cường tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiến tiến của thế giới vào các lĩnh vực đời sống xã hội. Từng bước xây dựng ngành công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu ứng dụng ngày càng cao. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động khoa học công nghệ theo hướng hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích và tôn vinh các nhà khoa học có tài, có nhiều đóng góp cho tỉnh.

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao… Tăng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo hướng vừa khai thác nội lực vừa đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu; huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước và sự tham gia của cộng đồng dân cư để thực hiện.

Đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo; bổ sung hoàn chỉnh các chính sách và chương trình giảm nghèo để người nghèo được tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động của chương trình và thụ hưởng các thành quả từ các chương tình này. Kiên quyết xoá bỏ các quy định về các khoản phải đóng góp bất hợp lý của nhân dân theo đúng quy định của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo như: chính sách khám, chữa bệnh; hỗ trợ giáo dục; hỗ trợ nhà ở; cho vay vốn ưu đãi…tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được hưởng các dịch vụ công của nhà nước.

Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; chú ý giải quyết việc làm, tình trạng tội phạm, ma tuý, tai nạn giao thông. Giải quyết tích cực và hiệu quả các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình thực thi cam kết WTO.

3. Nhiệm vụ về bảo vệ môi trường:

Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở chế biến, ở khu vực các nhà máy, các khu công nghiệp, các khu đông dân cư; cải tạo và xử lý môi trường trên các sông hồ, ao, kênh mương đang bị ô nhiễm.

Tăng cường khả năng dự báo những biến động bất lợi của khí hậu thời tiết. Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai như: bão lụt, hạn hán...; ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn đa dạng sinh học. Đáp ứng yêu cầu trong các cam kết bảo vệ môi trường với cộng đồng quốc tế.

Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Hạn chế những tác động xấu về môi trường ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống nhân dân.

4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, trong sạch, dân chủ, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển.

Triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính, trước hết là đổi mới chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, sắp xếp lại bộ máy chính quyền các cấp. Thực hiện chế độ thủ trưởng trong các cơ quan hành chính, phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trước hết là thủ tục liên quan đến đầu tư, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, dịch vụ hành chính liên quan đến đời sống nhân dân. Tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, phẩm chất chính trị cho công chức.

[...]