Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2019 về tăng cường thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 08/11/2019
Ngày có hiệu lực 08/11/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Bắc Giang, ngày 08 tháng 11 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) đã được các cấp, các ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện và có những chuyển biến tích cực; số vụ tai nạn lao động nặng và số người bị thương nặng có xu hướng giảm; điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2019 công tác AT-VSLĐ còn bộc lộ nhiều thiếu sót như: Khu vực có quan hệ lao động, số vụ tai nạn lao động chết người tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt ngày 16 và 17/9/2019 tại Công ty TNHH Khải Thần - Cụm Công nghiệp Già Khê, huyện Lục Nam đã liên tiếp xảy ra 02 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 02 công nhân; khu vực không có quan hệ lao động xảy ra 07 vụ tai nạn lao động, làm chết 04 người, làm bị thương nặng 04 người. Qua thanh tra, kiểm tra vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm về việc không kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; không kiểm định, không khai báo sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; không huấn luyện AT-VSLĐ, không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, không khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động,…

Nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo AT- VSLĐ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, phổ biến kiến thức, pháp luật về AT-VSLĐ nhằm giúp người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân nắm được các kiến thức, kỹ năng, biện pháp phòng tránh tai nạn lao động, bệnh tật xảy ra khi thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc khi sử dụng, vận hành các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ.

b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện công tác AT-VSLĐ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thường xảy ra tai nạn như: xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất gạch, cơ khí, luyện kim, dệt may, bao bì,... và các doanh nghiệp có sử dụng nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thông báo công khai các vi phạm nghiêm trọng trong công tác AT-VSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; xem xét kiến nghị khởi tố vụ án, truy tố người vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người.

c) Phối hợp với cơ quan công an điều tra xác định rõ nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người để kịp thời giải quyết các chế độ cho người lao động và có biện pháp khắc phục nguyên nhân nhằm ngăn ngừa các vụ tai nạn tương tự xảy ra.

2. Sở Y tế

a) Chỉ đạo tổ chức hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, hướng dẫn, giám sát, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động (bao gồm cả phòng chống bệnh nghề nghiệp), sơ cứu, cấp cứu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

c) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quan trắc môi trường lao động tại các doanh nghiệp; đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc bố trí người làm công tác y tế cơ sở theo đúng quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

3. Công an tỉnh

Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.

4. Sở Công Thương

a) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy trình đảm bảo quy định về an toàn tại các công trường, khu vực sản xuất khai thác khoáng sản. Kiên quyết chỉ đạo dừng sản xuất để chấn chỉnh, củng cố và khắc phục các vị trí có nguy cơ không bảo đảm an toàn, vi phạm các quy định về an toàn lao động.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo quản, kinh doanh và vận chuyển hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng, khí thiên nhiên nén.

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ Công Thương về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.

5. Sở Xây dựng

a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình nhằm nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình.

b) Thường xuyên kiểm tra công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình dân dụng; công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình công nghiệp nhẹ; công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình giao thông trong đô thị trừ công trình đường sắt, công trình cầu vượt sông và đường quốc lộ.

c) Xử lý nghiêm các chủ thể vi phạm quy định của pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; cương quyết dừng thi công, dừng sử dụng máy, thiết bị khi phát hiện vi phạm về an toàn lao động.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

a) Chủ động, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân và thành viên hợp tác xã nông nghiệp nắm rõ quy trình, nguyên tắc vận hành an toàn đối với máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp; biện pháp AT-VSLĐ trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng, chống mối mọt, côn trùng, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra hướng dẫn công tác an toàn lao động trong việc sử dụng máy móc, thiết bị, sử dụng điện sản xuất trong nông nghiệp và các làng nghề.

7. Sở Giao thông vận tải

Tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện công tác AT-VSLĐ tại các công trình xây dựng cầu đường, công trình giao thông trọng điểm thuộc quyền quản lý; tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình trong các khâu: Khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành và bảo trì công trình.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường

[...]