Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2014 về tăng cường công tác quản lý hoạt động của xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Số hiệu | 06/CT-UBND |
Ngày ban hành | 26/03/2014 |
Ngày có hiệu lực | 26/03/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký | Võ Kim Cự |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 26 tháng 03 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA XE MÁY ĐIỆN, XE ĐẠP MÁY VÀ XE ĐẠP ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, các phương tiện như xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp máy đã trở nên phổ biến, được nhiều người dân sử dụng làm phương tiện đi lại, chủ yếu là học sinh phổ thông. Bên cạnh những lợi ích, như: không gây tiếng ồn, tiết kiệm chi phí thì tình trạng vi phạm liên quan đến sử dụng xe đạp điện, xe máy điện diễn ra hết sức phổ biến, các lỗi như: không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, phóng nhanh (40-50km/h), vượt ẩu làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Để chấn chỉnh tình trạng mất an toàn nêu trên, hạn chế tối đa nguy cơ gây tai nạn giao thông do xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện gây ra; thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải; UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ sau:
1. Công an tỉnh
a. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, cơ động, Cảnh sát 113, Công an huyện, thành phố, thị xã, Công an xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển xe máy điện, xe đạp máy, xe đạp điện vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tập trung xử lý các lỗi: không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe lạng lách, đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, dàn hàng ngang trên đường, chở quá số người quy định, kéo, đẩy xe khác, vật khác...
b. Tổng hợp, gửi thông báo về UBND phường, xã, thị trấn nơi cư trú của người điều khiển xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện vi phạm các quy định về giao thông để có biện pháp giáo dục, răn đe; trường hợp người vi phạm là học sinh thì gửi thông báo cho Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường nơi học sinh theo học để có phương án xử lý, giáo dục và làm căn cứ xếp loại hạnh kiểm cuối năm.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã và các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh:
a. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh các quy định của pháp luật về quy tắc tham gia giao thông và các hình thức xử phạt khi sử dụng xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện vi phạm quy tắc tham gia giao thông.
b. Các nhà trường xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, giám sát học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện đến trường và giao nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý từng lớp học và 01 lãnh đạo nhà trường chịu trách nhiệm chỉ đạo chung đối với hoạt động này.
c. Tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm các quy định về an toàn giao thông khi sử dụng xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện.
d. Đưa việc thực hiện các quy định này vào chỉ tiêu đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh và đánh giá thi đua cho các đơn vị.
e. Căn cứ thông báo vi phạm của cơ quan chức năng gửi về, nhà trường tiến hành kiểm điểm và có hình thức kỷ luật nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm trước toàn trường để có tác dụng giáo dục chung, đảm bảo tính răn đe với học sinh vi phạm.
3. Sở Công Thương
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, kinh doanh xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện không rõ xuất xứ, không có tem hợp chuẩn hợp quy, không đảm bảo chất lượng và an toàn.
4. Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
a. Chỉ đạo các tổ chức Đoàn Thanh niên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các văn bản liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với người điều khiển xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện trong các tầng lớp thanh, thiếu niên trên địa bàn; đặc biệt là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng thanh, thiếu niên.
b. Phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức hướng dẫn, chỉ huy giao thông trong các dịp lễ hội, các kỳ thi diễn ra trên địa bàn;
5. UBND huyện, thành phố, thị xã
a. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thống kê, rà soát số lượng xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện của mỗi người dân trên địa bàn để có biện pháp quản lý, tuyên truyền.
b. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện vi phạm các quy tắc giao thông. Đồng thời tổ chức giáo dục, các trường hợp vi phạm khi có thông báo của cơ quan chức năng; gắn trách nhiệm của bố mẹ, người nuôi dưỡng khi có con cái, người thân vi phạm.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Tĩnh
Tăng cường thời lượng, tin bài để phổ biến, tuyên truyền các quy định và các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đồng thời liên tục đưa tin, phản ánh kết quả thực hiện các nội dung Chỉ thị này của từng địa phương, từng trường học.
7. Ban An toàn giao thông tỉnh
a. Chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan biên soạn tài liệu và hướng dẫn nhà trường tuyên truyền đến học sinh các quy định của pháp luật đối với xe máy điện, xe đạp máy và xe đạp điện khi tham gia giao thông.
b. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung chỉ đạo trên; đột xuất, hàng quý, 6 tháng, năm tổng hợp kết quả thực hiện gửi UBND tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.