Chỉ thị 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 06/CT-TTg
Ngày ban hành 15/02/2024
Ngày có hiệu lực 15/02/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐÔN ĐỐC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM SAU KỲ NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN 2024

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các bộ, cơ quan, địa phương, lực lượng chức năng đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23 tháng 11 năm 2023 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; triển khai đầy đủ, kịp thời, có đổi mới trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội; chú trọng các hoạt động tri ân, nghĩa tình đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Hàng hóa trong dịp Tết dồi dào, bảo đảm chất lượng và giá cả ổn định, nhất là các mặt hàng thiết yếu; hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc.

Nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã thi công xuyên Tết để đẩy nhanh tiến độ; nhiều nhà máy duy trì hoạt động sản xuất xuyên Tết để bảo đảm đơn hàng. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được thực hiện tốt. Giao thông vận tải cơ bản thông suốt, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. An ninh chính trị, chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra sôi động, được quản lý và tổ chức đúng quy định, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm nếp sống văn minh, nhất là đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Nhân dân ta đã đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình; mọi người, mọi nhà đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; các cán bộ, chiến sỹ không quản ngại khó khăn, ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của Nhân dân; công nhân vệ sinh môi trường, người lao động trực, làm việc, thi công xuyên Tết, “3 ca, 4 kíp” trên các công trường, nhà máy... để đất nước ta luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn...

Tuy nhiên, trong thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình hình vi phạm an toàn giao thông vẫn diễn ra phức tạp, còn xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ tại một số thời điểm và trên một số tuyến giao thông chính; vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại một số địa bàn. Sức mua hàng hóa tăng thấp; việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, khu du lịch, công tác vệ sinh môi trường có nơi, có lúc còn chưa tốt...

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; gây áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những tháng đầu năm 2024. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là đối với các công việc bị tồn đọng do nghỉ Tết; tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là tại Nghị quyết số 01/NQ-CP02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024, Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2024; chú trọng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội bảo đảm toàn diện, đa tầng, hiện đại, bao trùm, bền vững; đồng thời, tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ, công việc trọng tâm sau đây:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:

a) Rà soát, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo từng tháng, quý để tập trung chỉ đạo, điều hành, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, giải quyết tháo gỡ dứt điểm gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những nội dung, vấn đề còn vướng mắc, phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vấn đề phát sinh...

b) Tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước, nhất là những vấn đề mới phát sinh, việc điều chỉnh chính sách của các nước để kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trọng tâm nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chủ động theo dõi sát diễn biến để kịp thời có các giải pháp cân đối cung cầu, ổn định giá cả thị trường thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng, dịch vụ có nhu cầu tăng cao như ăn uống, vận tải, du lịch tại các điểm vui chơi, thăm quan, lễ hội...

c) Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho phát triển đất nước. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5; đồng thời tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

d) Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết 100% vốn đầu tư công ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật đầu tư công và các nghị quyết của Chính phủ.

Các bộ, cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ thi công và giải ngân vốn các dự án ngay từ đầu năm. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình giải ngân theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, kịp thời xử lý theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất các khó khăn, vướng mắc với các cấp có thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện.

đ) Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như các dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đường dây tải điện 500 Kv mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên)... Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công các dự án được giao làm cơ quan chủ quản, nhất là các dự án được dự kiến bố trí nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 và 2024.

e) Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện thực chất cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định kinh doanh. Tập trung đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2024.

g) Đẩy nhanh tiến độ lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo kịp thời, khả thi, thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định của pháp luật đất đai, pháp luật quy hoạch; tổ chức kiểm kê đất đai năm 2024 theo quy định pháp luật.

h) Kịp thời khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng phù hợp để ghi nhận, động viên các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có thành tích nổi bật, xuất sắc và tinh thần phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các tuyến cao tốc đi qua hoặc là cơ quan chủ quản các dự án được Chính phủ giao chịu trách nhiệm:

a) Bổ sung nhân lực, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tập trung xây dựng các khu tái định cư để ổn định cuộc sống của người dân; phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành phương án và tổ chức di dời đường điện cao thế. Đối với các địa phương còn chậm của các dự án đường bộ cao tốc, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý I năm 2024.

b) Phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục khai thác khoáng sản đối với mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng tiến độ thi công; tham gia cùng chủ đầu tư, nhà thầu làm việc, thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, tuyệt đối nghiêm cấm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, “ép giá”, trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức nào vi phạm thì các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo pháp luật; sử dụng các chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, “ép giá”, đầu cơ đất khu vực mỏ.

c) Các địa phương có nguồn vật liệu đắp nền cho các dự án đường bộ cao tốc chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các nhà thầu để triển khai các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác đảm bảo trữ lượng, công suất khai thác đáp ứng yêu cầu; hỗ trợ tối đa chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp cận, khảo sát các mỏ cát (cát sông, cát biển) trên địa bàn.

d) Đối với dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long khẩn trương cấp “Bản xác nhận” theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với 05 mỏ (tỉnh An Giang) nhà thầu đã trình hồ sơ để hoàn thiện thủ tục thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí và có thể khai thác trước ngày 20 tháng 02 năm 2024; hỗ trợ các nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị, phương tiện và thời gian khai thác trong ngày để đảm bảo sản lượng khai thác, đồng thời căn cứ tình hình thực tế khai thác của các mỏ đã cấp, tiến hành rà soát nội dung đánh giá tác động môi trường được duyệt để xem xét, có phương án điều chỉnh tăng công suất khai thác các mỏ đã cấp (nếu đủ điều kiện); rà soát các mỏ đang khai thác, các khu vực mỏ mới trên địa bàn (đặc biệt tỉnh An Giang, Vĩnh Long), ưu tiên các mỏ gia hạn, nâng công suất để cung ứng cho dự án và giao thêm các mỏ mới cho các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác, bảo đảm đủ công suất để đến 30 tháng 6 năm 2024 cung cấp đủ về công trường khối lượng cát đã được Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo các cơ quan đơn vị rút ngắn tối thiểu thời gian thực hiện các thủ tục để có thể khai thác trước ngày 20 tháng 3 năm 2024.

đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư, các nhà thầu để triển khai các thủ tục giao mỏ cát biển cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Theo dõi tiến độ, đôn đốc, thúc đẩy việc thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp toàn diện, kịp thời để điều hành linh hoạt, hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương, rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2024 việc kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án đã được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm theo đúng quy định.

b) Chủ động chuẩn bị báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 06 vùng kinh tế - xã hội; đánh giá thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương.

c) Tập trung hoàn thiện Đề cương chi tiết Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, gửi các bộ, cơ quan, địa phương để triển khai thực hiện.

d) Khẩn trương xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, báo cáo Chính phủ trong tháng 02 năm 2024.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ