Chỉ thị 06/2006/CT-BXD về việc tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả cuộc vận động đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng trong kế hoạch 5 năm (2006 -2010) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
Số hiệu | 06/2006/CT-BXD |
Ngày ban hành | 27/04/2006 |
Ngày có hiệu lực | 13/05/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng |
Người ký | Nguyễn Hồng Quân |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
BỘ
XÂY DỰNG |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2006/CT-BXD |
Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2006 |
Cuộc vận động đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng, giai đoạn 2001 – 2005 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam phát động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế – xã hội.
Trong 5 năm qua, cuộc vận động đã thu hút 290 doanh nghiệp (DN) hành nghề xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng thuộc các thành phần kinh tế, các Bộ, Ngành hưởng ứng tham gia. Kết quả 5 năm đã có 548 công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng được tặng thưởng huy chương vàng và bằng chất lượng cao; 34 lượt DN được tặng cờ đơn vị xuất sắc về đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm xây dựng hàng năm; 574 tập thể và cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và của Ban Thường vụ công đoàn Xây dựng Việt Nam. Hệ thống quản lý chất lượng của các đơn vị tham gia cuộc vận động đã được củng cố, hoàn thiện theo các tiêu chí của tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ISO – 9000. Tuy nhiên so với mục tiêu và yêu cầu đã đề ra, cuộc vận động vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục là:
Cuộc vận động đã được các DN thuộc ngành tích cực hưởng ứng, tuy nhiên chưa tạo được phong trào rộng khắp trong cả nước nhằm thu hút được đông đảo các DN thuộc các thành phần kinh tế hưởng ứng tham gia, nhất là các DN thuộc các ngành Xây dựng các địa phương, các công ty ngoài quốc doanh, các DN liên doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư vấn, khảo sát thiết kế.
Hàng năm vẫn còn để xẩy ra những sự cố công trình do vi phạm qui trình, qui phạm về quản lý chất lượng. Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình của các chủ sử dụng chưa được quan tâm đầy đủ. Một số công trình khi đã đưa vào khai thác sử dụng không có hưỡng dẫn bảo trì làm cho công trình xuống cấp, giảm tuổi thọ.
Nhiều DN chưa quan tâm, thậm trí chưa biết đến những lợi ích lâu dài mà cuộc vận động mang lại trong việc xây dựng mô hình quản lý theo hướng chuyên nghiệp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của DN, nâng cao thương hiệu của sản phẩm, xác định uy tín của DN trên thị trường, tích cực để chủ động tham gia hội nhập kinh tế Quốc tế và khu vực.
Tiếp tục phát huy những ưu điểm và kết quả đã đạt được, cũng như khắc phục những khuyết điểm, tồn tại của cuộc vận động trong 5 năm vừa qua, đồng thời thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội, trong kế hoạch 5 năm (2006 – 2010) của Ngành, hưởng ứng “ Thập niên chất lượng lần thứ hai 2006 –2015 “ với chủ đề “ Năng suất – chất lượng; chìa khoá phát triển và hội nhập “ do lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phát động, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thống nhất với Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam, quyết định tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng”, giai đoạn 2006 – 2010 với các mục tiêu sau:
1 – Tiếp tục phát triển cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng “, đến với tất cả các DN xây lắp, tư vấn thiết kế, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng thuộc các thành phần kinh tế, các Bộ, Ngành và các địa phương trong cả nước. Thông qua nội dung cuộc vận động tạo sự chuyển biến về chất trong công tác quản lý chất lượng phù hợp các qui định của Luật Xây dựng, đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003.
Phấn đấu đến năm 2010, 100% các DN tham gia cuộc vận động đều có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ISO – 9000.
2 – Không ngừng đổi mới nâng cao công tác tổ chức, điều hành quản lý doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh, thực hiện nghiêm túc các quy trình công nghệ sản xuất, đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Phấn đấu tất cả các công trình xây dựng, sản phẩm vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, sản phẩm thiết kế, tư vấn của các DN tham gia cuộc vận động, đều được đăng ký, thực hiện đạt yêu cầu chất lượng và chất lượng cao theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
3 – Thông qua cuộc vận động, các DN thực sự chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngành Xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hoá và chuyên môn hoá, đảm bảo yêu cầu đã được xác định trong Chỉ thị số 08/2005/CT-BXD ngày 31/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tổ chức cuộc vận động “Xây dựng và phát triển lực lượng CNVC-LĐ ngành Xây dựng trong tình hình mới”.
II – VỀ NỘI DUNG CUỘC VẬN ĐỘNG:
1 – Tất cả các DN phải quán triệt và thực hiện đầy đủ các qui định của Luật Xây dựng cũng như các văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng. Xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO – 9000 để chủ động tự kiểm soát chất lượng các giai đoạn công việc từ người công nhân trực tiếp đến các cấp quản lý kỹ thuật chất lượng của DN cho từng công trình xây dựng, sản phẩm xây dựng.
2 –Thông qua các công trình, sản phẩm đăng ký đảm bảo chất lượng cao phải tổ chức phổ biến, tuyên truyền ngay từ đầu đến từng tổ chức cá nhân làm việc tại các công trình, trong từng dây chuyền sản xuất biết và chấp hành nghiêm chỉnh các qui định đảm bảo chất lượng và an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trong suốt quá trình làm ra sản phẩm.
3 – Trong mỗi công trình xây dựng, sản phẩm xây dựng đăng ký phải có nội dung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý v.v... nhằm không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của DN và hiệu quả kinh tế. Nhất thiết không sử dụng lao động không được đào tạo vào những công việc có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật.
4 – Qua cuộc vận động cải tiến, đổi mới công tác khen thưởng, nhằm động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động, cũng như đánh giá, công nhận những công trình, sản phẩm đạt chất lượng cao ở mỗi cấp.
III – BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1 – Ban chỉ đạo cuộc vận động của ngành Xây dựng các địa phương, các DN, trên cơ sở tổng kết cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng” giai đoạn 2001 – 2005, rút kinh nghiệm, xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả cuộc vận động giai đoạn 2006 – 2010. Phát động tất cả các DN xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng thuộc địa phương và các thành phần kinh tế đăng ký tham gia cuộc vận động.
2 – Củng cố kiện toàn các Ban chỉ đạo cuộc vận động từ Bộ Xây dựng đến các Sở Xây dựng các địa phương, các Tổng công ty, công ty và Ban chỉ đạo các cơ sở trong cả nước, đảm bảo cho công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc vận động được hiệu quả.
3 – Ban chỉ đạo Bộ Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung “Qui chế vận động và công nhận công trình sản phẩm xây dựng, đơn vị, cá nhân đảm bảo và đạt chất lượng cao của ngành Xây dựng trong kế hoạch 5 năm 2001 – 2005, ban hành kèm theo Quyết định số 06/2001/QĐ-BXDCTCLC ngày 22/5/2001 của Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Xây dựng ” cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới 2006 -2010. Hướng dẫn, chỉ đạo Ban chỉ đạo các Sở Xây dựng, các Tổng công ty và Ban chỉ đạo các cơ sở thực hiện đánh giá, công nhận công trình, sản phẩm đạt chất lượng cao. Đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động.
Trên đây là những mục tiêu, nội dung và các biện pháp nhằm tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng” trong giai đoạn 2006 – 2010. Yêu cầu Giám đốc các Sở Xây dựng, Sở Xây dựng chuyên ngành, lãnh đạo các DN tham gia hoạt động xây dựng trong cả nước, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị, phối hợp chặt chẽ với Ban chấp hành công đoàn đồng cấp, tổ chức triển khai sâu rộng trong công nhân viên chức và lao động, đảm bảo cho cuộc vận động tiếp tục phát triển và đạt hiệu quả cao.
|
BỘ TRƯỞNG |