Chỉ thị 06/1999/CT-BCN về tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 06/1999/CT-BCN
Ngày ban hành 05/06/1999
Ngày có hiệu lực 05/06/1999
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đặng Vũ Chư
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1999/CT-BCN

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 1999 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Thực phẩm là sản phẩm thiết yếu đối với đời sống con người. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến việc phát triển sản xuất, cung cấp, chế biến thực phẩm. Ngành chế biến thực phẩm đã có nhiều nỗ lực tạo ra nhiều thực phẩm hàng hoá, từng bước thoả mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất để tăng sản lượng, chúng ta cũng đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm bảo vệ tính mạng, tăng cường chất lượng cuộc sống cho nhân dân, bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng và tương lai lâu dài của cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay trong ngành thực phẩm, nhiều đơn vị sản xuất chưa có nhiều sản phẩm đạt được chất lượng theo đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, chưa đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng và xuất khẩu. Sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn yếu, nên nhiều sản phẩm có khả năng sản xuất trong nước vẫn phải nhập ngoại. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa tổ chức tốt việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng quản lý về chất lượng với các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ... Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hội nhập tích cực vào thị trường khu vực, thế giới và thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chỉ thị :

1. Các Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố, các đơn vị hoạt động sản xuất, dịch vụ về chế biến, cung cấp thực phẩm, các tổ chức tư vấn, các đơn vị sự nghiệp (Viện, Trung tâm, Trường...) liên quan đến hoạt động chế biến thực phẩm phải nghiên cứu và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 08/1999/CT-TTg ngày 15 tháng 4 năm 1999, có kế hoạch cụ thể để thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” do Bộ Y tế đề xuất và quy định; duy trì hoạt động và phát huy kết quả của “Tháng hành động” được tổ chức thường xuyên hàng năm.

2. Các Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường và các cơ quan chức năng liên quan làm tốt chức năng quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các Sở Công nghiệp sản xuất thực phẩm tại địa phương; tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các văn bản pháp luật, các hệ thống quản lý chất lượng, các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và các tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng; duy trì chế độ báo cáo định kỳ một quý một lần cho cơ quan Quản lý chất lượng của Bộ.

3. Các đơn vị hoạt động sản xuất, dịch vụ chế biến thực phẩm có trách nhiệm thực hiện thường xuyên các công việc sau :

3.1. Xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch năm năm và đầu tư nguồn lực cho hoạt động bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của đơn vị mình. coi công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.

3.2. Căn cứ loại sản phẩm cụ thể của đơn vị, căn cứ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, xúc tiến triển khai áp dụng thích hợp các hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm : Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), Phương pháp phân tích và kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm (HACPP), Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9000); thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về sở hữu công nghiệp, về nhãn hiệu hàng hoá. Đối với các đơn vị chưa có điều kiện triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng, trước mắt yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác chứng nhận chất lượng sản phẩm và tự công bố chất lượng sản phẩm.

3.3 Thực hiện các biện pháp để tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng, các tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng. Mở rộng việc đào tạo, giáo dục kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm tới các phân xưởng, đến từng công nhân thao tác vận hành trên dây chuyền công nghệ.

3.4. Từng bước đầu tư chiều sâu, nâng cấp, cải tiến, đồng bộ hoá dây chuyền thiết bị, hướng tới công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm sản xuất ra các sản phẩm sạch và chất lượng cao. Kiên quyết loại bỏ những thiết bị không phù hợp cho công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm, không hợp vệ sinh và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xử lý các chất bụi, khí, rắn, chất thải độc, giảm thiểu tối đa các chất ảnh hưởng xấu đến môi trường.

3.5. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống sản xuất, bảo quản tại kho, trong lưu thông phân phối và dịch vụ. Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng quản lý chất lượng để kiểm tra xử lý các vụ việc có liên quan đến bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Duy trì việc báo cáo một quý một lần theo nội dung do cơ quan quản lý chất lượng quy định.

4. Yêu cầu Viện Công nghiệp Thực phẩm và các Viện, Trung tâm nghiên cứu liên quan thuộc Ngành Công nghiệp tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm, xúc tiến nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, xây dựng mức chất lượng về an toàn hoá chất, an toàn vật lý, an toàn vi sinh và an toàn phụ gia thực phẩm phục vụ việc kiểm soát các mối nguy hại của các chất trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Cùng phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chất lượng của các Bộ tổ chức kiểm tra và giám định chất lượng sản phẩm thực phẩm.

5. Yêu cầu các Trường đào tạo, dạy nghề chuyên ngành công nghiệp thực phẩm đưa vào chương trình đào tạo chính thức các nội dung về tiêu chuẩn hoá, các văn bản pháp quy của Nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn thực phẩm, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Các cơ quan, các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Công nghiệp, các Tạp chí, Bản tin, Tập san Công nghiệp... của Bộ và các Tổng công ty, các Hiệp hội ngành Công nghiệp) cần cập nhập và phổ biến kiến thức phổ thông về tiêu chuẩn hoá thực phẩm, về chất lượng, vệ sinh thực phẩm có tác động trực tiếp, thường xuyên đến sức khoẻ con người, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chon thực phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn, quảng bá thông tin về các cơ sở sản xuất thực phẩm có uy tín và có sản phẩm chất lượng cao.

7. Một quý một lần các đơn vị phải báo cáo tình hình thực hiện và kết quả hoạt động công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm về Bộ Công nghiệp (Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm).

8. Giao nhiệm vụ cho Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm :

- Là cơ quan đầu mối, phối hợp với các cơ quan quản lý chất lượng của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, triển khai công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động, kế hoạch và dự trù kinh phí hàng năm về công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ngành Công nghiệp.

- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, đào tạo cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đơn vị trong công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, trường đào tạo áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tập hợp báo cáo hàng quý từ các đơn vị về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, báo cáo kiểm tra và đánh giá kết quả hoạt động hằng năm của các đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc ngành Công nghiệp.

Nhân được Chỉ thị này, yêu cầu các đồng chí Giám đốc các Sở Công nghiệp, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Công ty và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Công nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, yêu cầu các đơn vị liên hệ với Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Bộ Công nghiệp để tiếp nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của Bộ./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg CP (để b/c),
- Bộ Y tế (để phối hợp),
- Bộ KHCN&MT (để phối hợp),
- Các Sở Công nghiệp,
- Các Vụ, Cục, Viện,
- Các DN ngành Công nghiệp,
- Các trường ngành Công nghiệp,
- Báo Công nghiệp,
- Lưu VP, CNCL.

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP



 
Đặng Vũ Chư

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ