Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2011 về thực hiện cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 05/CT-UBND |
Ngày ban hành | 14/02/2011 |
Ngày có hiệu lực | 24/02/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Thế Thảo |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND |
Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIII VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP, NHIỆM KỲ 2011 - 2016 TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Chỉ thị số 192/CT-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 29 tháng 01 năm 2011 của Thành ủy Hà Nội về lãnh đạo và tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, nhằm đảm bảo cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thể hiện được không khí ngày hội của toàn dân; Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu:
1. Thủ tướng các Sở, Ban, Ngành thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt Kế hoạch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp; đảm bảo cho các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện tốt công tác bầu cử theo quy định. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Các Sở: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Tư pháp và các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố có kế hoạch tuyên truyền, cổ động cho cuộc bầu cử với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích về các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND tới các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân thành phố.
- Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trong cả quá trình chuẩn bị đến khi kết thúc cuộc bầu cử.
- Cục Thống kê thành phố chỉ đạo và thực hiện việc cung cấp số liệu dân số đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2010 tại từng địa phương để làm căn cứ tính số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở mỗi đơn vị hành chính.
- Tổng Công ty Điện lực Hà Nội có kế hoạch đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các hoạt động tổ chức, triển khai cuộc bầu cử, đặc biệt là ngày bầu cử và trong thời gian kiểm phiếu; các ngành: Bưu chính, Viễn thông thành phố có phương án đảm bảo thông tin, liên lạc thông suốt trong quá trình thực hiện cuộc bầu cử, nhất là trong các ngày 12/5 đến 25/5/2011.
- Sở Giao thông – Vận tải có kế hoạch đảm bảo an toàn, thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong suốt quá trình chuẩn bị và trong ngày bầu cử.
- Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có trách nhiệm giúp Ủy ban bầu cử thành phố xem xét giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có liên quan đến bầu cử.
- Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố có kế hoạch dự trù và cấp phát kinh phí, hướng dẫn việc lập dự toán, quyết toán, đồng thời kiểm tra việc sử dụng kinh phí bầu cử, đảm bảo việc chi tiêu của các tổ chức làm công tác bầu cử của thành phố và các địa phương được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đúng quy định.
- Sở Nội vụ là cơ quan Thường trực của Ủy ban bầu cử thành phố, có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; in ấn, cấp phát tài liệu, con dấu, kinh phí phục vụ bầu cử và các công việc khác theo kế hoạch bầu cử; kiểm tra, đôn đốc các Sở, Ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác bầu cử theo quy định; tổng hợp tình hình chuẩn bị và triển khai thực hiện cuộc bầu cử tại các Sở, Ngành và các địa phương, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố; trước, trong và sau ngày bầu cử phải thực hiện chế độ báo cáo trực tiếp, thường xuyên, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo được kịp thời.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ chức năng, nhiêm vụ, quyền hạn và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Thành phố chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch công tác bầu cử ở địa phương; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chuẩn bị các điều kiện về vật chất, kỹ thuật phục vụ bầu cử; có biện pháp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và tại các điểm bỏ phiếu, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn, tiết kiệm; xây dựng phương án dự phòng đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành liên tục, không bị gián đoạn.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về tổ chức, thực hiện cuộc bầu cử tại địa phương theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND (đã được sửa đổi, bổ sung 2010) và các văn bản hướng dẫn của cấp trên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong phạm vi quyền hạn, khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Nội vụ); đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố thành công tốt đẹp./.
Nơi nhận: |
CHỦ
TỊCH |