Chỉ thị 05/CT-UBND về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
Số hiệu | 05/CT-UBND |
Ngày ban hành | 18/03/2011 |
Ngày có hiệu lực | 28/03/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ninh |
Người ký | Nguyễn Văn Đọc |
Lĩnh vực | Bất động sản |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND |
Quảng Ninh, ngày 18 tháng 3 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI
Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý đưa công tác quản lý đất đai dần đi vào nề nếp, việc sử dụng đất đai ngày càng có hiệu quả hơn; việc đất đai được sử dụng hợp lý, có hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói chung và quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất nói riêng, bước đầu đã tạo được kết quả tích cực, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản…
Tuy nhiên trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh, một số nơi còn xảy ra tình trạng tự chuyển mục đích; chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mang tính đầu cơ, trục lợi hoặc có hành vi "ôm đất" chờ quy hoạch để nhằm mục đích kiếm lời, hưởng lợi trong chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, làm cho tình hình quản lý đất đai diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất thực hiện các dự án. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một số loại đất còn thấp như: Đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất của tổ chức. Tình trạng sử dụng đất vượt ranh giới, không đúng mục đích, lãng phí đất đai vẫn còn; một số dự án tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư còn chậm; có dự án chuyển nhượng nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Trước tình trạng nêu trên, để chấn chỉnh một bước và tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai trong thời gian tới; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và những hành vi lợi dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung sau đây:
1. Khẩn trương rà soát các văn bản đã ban hành, bãi bổ các quy định không còn phù hợp, đồng thời ban hành ngay các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp luật đất đai:
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, Ban Ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương, trên cơ sở các Nghị định của Chính phủ, khẩn trương chỉnh sửa và trình UBND tỉnh ban hành các quyết định hướng dẫn về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, gia hạn thời gian sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thay thế cho quyết định số 99/2008/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Thời gian xong trong quý I năm 2011.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai:
- Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai với nội dung thiết thực, hình thức phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của địa phương; biểu dương những nơi làm tốt, phê phán những nơi trì trệ; phát hiện và đưa ra công luận các vi phạm về quản lý đất đai, nhất là các hành vi lợi dụng chức quyền tham nhũng về đất đai hoặc nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
- Giao Ban tôn giáo Dân tộc chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương lập kế hoạch xuất bản và ban hành các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật về đất đai trên cơ sở tài liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Sở Tài chính cân đối kinh phí cho các nội dung tuyên truyền trên.
3. Tăng cường công tác lập, công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các khu vực dự án phải thu hồi đất theo quy hoạch:
- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị số 09/2007/CT-TTg ngày 06/4/2007 của Chính phủ về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư; các quy định của pháp luật đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chỉ thị số 01/2010/CT-BTNMT ngày 17/3/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường “về tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.
- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn (2011- 2020) và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011- 2015) trình Chính phủ phê duyệt theo quy định; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ các chỉ tiêu được phân bổ; thể hiện đầy đủ nhu cầu sử dụng đất của các ngành; chú ý tính hợp lý về sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Thường xuyên theo dõi tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và cấp xã để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vướng mắc phát sinh.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện khẩn trương thực hiện việc lập, thẩm định, xét duyệt và trình xét duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và cấp xã giai đoạn (2011- 2020) và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011- 2015) theo đúng các quy định hiện hành, đảm bảo thời gian quy định. Ủy ban nhân dân cấp huyện phải bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác lập quy hoạch của cấp huyện và cấp xã theo tiến độ đã đề ra. Sau khi quy hoạch, kế hoạch được xét duyệt phải tổ chức công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp để các tổ chức và công dân được biết.
Đối với các dự án phải thu hồi đất theo quy hoạch, Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu Chủ đầu tư phải thực hiện việc công bố, công khai quy hoạch tại khu vực dự án và tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có dự án.
4. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất:
- Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp tăng cường việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, trong đó chú trọng đến việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, đất an ninh, quốc phòng; tăng cường đầu tư đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với việc lập và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính; đo đạc đến đâu phải tổ chức cấp giấy chứng nhận đến đó; không mở dự án đo đạc mới nếu chưa hoàn thành việc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận cho các diện tích đã đo đạc
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cần tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đẩy tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trọng tâm là đất sản xuất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất kinh tế trang trại, đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn theo hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất; thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận đối với trường hợp hộ gia đình cá nhân chưa có khả năng nộp tiền; kiên quyết bỏ các điều kiện kèm theo việc cấp giấy chứng nhận tại địa phương như hộ khẩu, đợi quy hoạch…; tổ chức chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã công khai thực hiện việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất và thời điểm bắt đầu sử dụng đất để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
- Kết hợp việc cấp giấy chứng nhận với việc hiện đại hóa hệ thống hồ sơ địa chính; thực hiện nghiêm quy trình cập nhật biến động về sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Trên cơ sở kết quả kiểm kê đất đai, Ủy ban nhân dân cấp huyện cần cập nhật biến động về các loại đất, chủ sử dụng đất; có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng đất, đặc biệt đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định của Pháp luật.
5. Về việc chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất chuyên trồng lúa nước:
Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ban, ngành có liên quan phải quản lý chặt chẽ đất đai, không cho phép chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước trong các trường hợp sau:
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước.
- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước của hộ gia đình, cá nhân trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt.
- Không được thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất đối với các khu vực đất nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt mà đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm thì Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã phải có biện pháp xử lý thích hợp; trường hợp nghiêm trọng, cố ý làm trái thì xem xét chuyển cơ quan pháp luật xử lý theo quy định.
6. Về xây dựng bảng giá đất hàng năm: