Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2014 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tỉnh Lào Cai
Số hiệu | 05/CT-UBND |
Ngày ban hành | 18/08/2014 |
Ngày có hiệu lực | 18/08/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lào Cai |
Người ký | Doãn Văn Hưởng |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND |
Lào Cai, ngày 18 tháng 8 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020 TỈNH LÀO CAI
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Nghị quyết số 22/2010/NQ-HĐND ngày 17/12/2010 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, kinh tế trong nước và kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai còn nhiều khó khăn thách thức, song với sự quyết tâm và nỗ lực phấn đấu của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai vẫn đạt được những thành tựu quan trọng.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và trên cơ sở Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Lào Cai, cụ thể như sau:
I. Những nội dung chủ yếu:
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện với Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời dự báo tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai, tình hình trong nước và thế giới để từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 tỉnh Lào Cai:
a. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ các cấp, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, trong đó làm rõ các kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu và các định hướng phát triển đề ra, các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch.
b. Kết quả thực hiện chủ trương, chính sách trong tái cơ cấu kinh tế, 3 đột chiến lược:
Đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu trên 3 lĩnh vực: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (nêu nên hững kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới).
Tình hình và kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược (Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề; phát triển kết cấu hạ tầng). Cần làm rõ kết quả đạt được, phân tích các nguyên nhân khách quan và chủ quan trong triển khai thực hiện các đột phá của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.
c. Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch về tín dụng; thu chi ngân sách nhà nước; xuất nhập khẩu; nợ công; tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển.
d. Những kết quả về phát triển và đổi mới giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, thông tin, văn hóa, thể dục thể thao, bảo vệ trẻ em, phát triển thanh niên, chăm sóc người có công và bình đẳng giới; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu,...
e. Đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; các kết quả về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
g. Đánh giá về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,...
2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 tỉnh Lào Cai:
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 xây dựng trong bối cảnh kinh tế trong nước và kinh tế thế giới đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nên tốc độ phục hồi còn chậm và tiềm ẩn nhiều khó khăn và thách thức,... đặc biệt diễn biến tình hình Biển Đông có thể tác động ảnh hưởng tới một số chỉ tiêu phát triển kinh tế trong tỉnh.
Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Lào Cai cũng có nhiều thuận lợi khi tiềm năng, lợi thế của tỉnh ngày càng được khai thác hiệu quả; kết quả bước đầu đạt được trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng,… đã tạo ra những chuyển biến mới đối với sự phát triển kinh tế trong tỉnh; một số dự án lớn, trọng điểm bước đầu được khai thác và phát huy hiệu quả; môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo được uy tín đối với các nhà đầu tư; sự ổn định về chính trị - xã hội là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế,...
a. Mục tiêu tổng quát: Bảo đảm nền kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai phát triển bền vững; phấn đấu xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng trung du miền núi phía Bắc; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; quốc phòng an ninh giữ vững, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
b. Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 tăng 11-12%/năm (theo giá so sánh năm 2010)[1]. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 3%/năm.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020 về: Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp huyện; Công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Phát triển kết cấu hạ tầng.
- Tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Tiếp tục cải thiện về các cơ chế chính sách; cơ chế tín dụng; hỗ trợ về khuyến công, về chính sách thuế; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp,... tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm phát triển, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.
- Huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển nền kinh tế.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục - đào tạo và phát triển mạnh khoa học - công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng. Tập trung giảm nghèo bền vững. Thực hiện các chính sách lao động, việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các di sản văn hóa dân tộc; tăng cường công tác thông tin truyền thông; phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao. Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo; bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ. Chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em; phát triển thanh niên.
- Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.
- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.