Chỉ thị 05/2015/CT-UBND đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 05/2015/CT-UBND
Ngày ban hành 21/05/2015
Ngày có hiệu lực 31/05/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Phùng Quang Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2015/CT-UBND

Vĩnh Yên, ngày 21 tháng 5 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH VĨNH PHÚC

Trong những năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và bước đầu đã đạt những kết quả tích cực. Ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện cải cách hành chính đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin tại nhiều cơ quan nhà nước của tỉnh vẫn chưa khai thác, phát huy tốt vai trò, tiềm năng, thế mạnh của công nghệ thông tin. Hạn chế trên do nhiều nguyên nhân như: người đứng đầu tại một số cơ quan nhà nước chưa xác định rõ trách nhiệm, tính gương mẫu, biện pháp quyết liệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; công tác tuyên truyền phổ biến ứng dụng công nghệ thông tin chưa sâu rộng; chưa có quy định bắt buộc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước của các cấp, các ngành; chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cải cách hành chính với công nghệ thông tin; ứng dụng còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp với nhu cầu và yêu cầu của thực tế; hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn thiện; an toàn và bảo mật thông tin chưa được chú trọng đúng mức; đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, quản trị mạng còn thiếu và năng lực hạn chế.

Tổ chức triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về việc "Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước".

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ thị:

1. Nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh:

a) Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, với tất cả đối tượng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và cán bộ, công chức, viên chức;

b) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phải trực tiếp chịu trách nhiệm về hoạt động ứng dụng; phổ biến, quán triệt, tổ chức, chỉ đạo và triển khai các biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đơn vị, địa phương mình; coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hàng năm;

c) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và quán triệt đầy đủ các quy định của luật, các văn bản dưới luật liên quan đến công nghệ thông tin.

2. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin:

a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, qui hoạch, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, gắn với triển khai Qui hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020;

- Hỗ trợ các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật, lựa chọn công nghệ để hoàn thiện hệ thống mạng theo hướng hiện đại và đồng bộ;

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã lập kế hoạch, phân bổ và sử dụng kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để thực hiện các hoạt động, dự án công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính;

c) Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị lập dự toán chi thường xuyên liên quan đến các hoạt động CNTT của các cơ quan nhà nước như: bảo trì, bảo dưỡng máy tính, mạng máy tính, hệ thống thông tin, phần mềm diệt vi rút có bản quyền, cơ sở dữ liệu, tạo lập dữ liệu điện tử, tạo lập tin, bài, của các Ban biên tập cổng, trang thông tin điện tử;

d) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã ưu tiên bố trí kinh phí, kết hợp với các chương trình, dự án, các nguồn vốn khác để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ của đơn vị, để kết nối băng thông rộng với Mạng truyền số liệu chuyên dùng của Chính phủ và Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh; tạo điều kiện để tất cả cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện có máy tính phục vụ tác nghiệp.

3. Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm trong hoạt động quản lý, điều hành:

a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai 03 phần mềm nền tảng, ứng dụng chung trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước của tỉnh, bao gồm: phần mềm quản lý văn bản và điều hành, cổng thông tin điện tử, thư điện tử công vụ. Đến hết tháng 6/2015 cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tham gia khai thác các phần mềm nền tảng nêu trên phải sử dụng thành thạo, thông suốt, bảo đảm hiệu quả, thiết thực;

b) Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo đúng yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm tăng cường công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước, gắn với an toàn, an ninh thông tin, tiết kiệm các nguồn lực;

c) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo triển khai 03 phần mềm nền tảng nói trên tại cơ quan, địa phương mình; đồng thời phát triển các phần mềm ứng dụng chuyên ngành bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chủ động kiến nghị, đề xuất với bộ, ngành Trung ương để triển khai các ứng dụng theo ngành dọc của bộ, ngành, bảo đảm đồng bộ, liên thông, hiện đại. Khuyến khích các sở, ban, ngành được lựa chọn làm thí điểm triển khai các ứng dụng, các cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương;

d) Sở Nội vụ khẩn trương triển khai hệ thống phần mềm một cửa điện tử, tích hợp đầy đủ các dịch vụ hành chính công, bảo đảm các kết nối liên thông ngành dọc và liên thông ngang cấp. Đề xuất các biện pháp để bảo đảm triển khai thành công giai đoạn 1 trong năm 2015 tại 7 sở, ngành, 9 Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã và 9 Ủy ban nhân dân cấp xã;

e) Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế chủ động triển khai mạnh mẽ các ứng dụng, các dịch vụ công, từng bước hình thành các hệ thống thông tin về giáo dục điện tử, y tế điện tử trên địa bàn tỉnh, để nhân dân được hưởng phúc lợi xã hội thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

4. Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin mạng:

a) Các cơ quan nhà nước chủ động thực hiện bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, bảo đảm máy tính, hệ thống mạng máy tính, các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu, các ứng dụng không bị xâm nhập trái phép hoặc tấn công mạng. Chú trọng biện pháp bảo mật hành chính gắn với bảo mật bằng nghiệp vụ kỹ thuật;

b) Giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất các biện pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới;

c) Giao Trung tâm Hạ tầng thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động các giải pháp kỹ thuật và phối hợp với các đơn vị chức năng về bảo mật, an toàn thông tin, an ninh thông tin mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị khác để sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mạng trái phép hoặc tấn công mạng, nhằm duy trì ổn định, liên tục, an toàn của Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh và Mạng truyền số liệu chuyên dùng của Chính phủ trên địa bàn tỉnh;

d) Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan chủ động rà soát, nắm tình hình, phòng ngừa, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đến hoạt động an toàn thông tin, an ninh thông tin mạng.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ