Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2023 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 04/CT-UBND
Ngày ban hành 20/06/2023
Ngày có hiệu lực 20/06/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nguyễn Đăng Bình
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 20 tháng 6 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 3 NĂM 2024 - 2026

Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi những khó khăn, thách thức nội tại trong nước và quốc tế. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và có chiều hướng suy giảm; tình trạng lạm phát vẫn duy trì ở mức cao; các thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... diễn biến bất thường. Bám sát các chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành và các địa phương đã rất nỗ lực, cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của năm thông qua nhiều giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế, vượt qua khó khăn thách thức. Qua đó về cơ bản kinh tế - xã hội của tỉnh được duy trì và ổn định.

Dự báo trong năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều trở ngại, rào cản như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; dư địa tăng trưởng ít, năng lực sản xuất thấp, giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; các yếu tố về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ,… chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thiên tai, dịch bệnh dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước bối cảnh đó, các cấp, các ngành và các địa phương phải tiếp tục tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực phấn đấu đạt hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 với những nội dung như sau:

A. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

I. YÊU CẦU

1. Đối với đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023

a) Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển theo Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh và các Quyết định giao chỉ tiêu của UBND tỉnh; đối với các địa phương bám sát Nghị quyết của Đảng bộ, HĐND các cấp.

b) Đánh giá đúng thực chất, đảm bảo tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn và có sự so sánh với kết quả thực hiện năm 2022 và các năm trước khi có dịch Covid-19; nêu rõ những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và phân tích rõ nguyên nhân.

c) Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Đánh giá cụ thể về tình hình triển khai, tác động của chính sách đã triển khai trong năm 2023, các khó khăn, vướng mắc, hạn chế và đề xuất, kiến nghị những phương án xử lý theo nhiệm vụ được giao của từng đơn vị, địa phương. Đánh giá khả năng giải ngân thực hiện các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đến hết năm 2023.

2. Đối với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

a) Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự báo tình hình trong nước, trên thế giới tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2024 phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

b) Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025, các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện của đơn vị, địa phương gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển KTXH, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

c) Kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương phải phù hợp với các Kế hoạch phát triển dài hạn của đơn vị, địa phương; phù hợp với nội dung Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn và các Quy hoạch quốc gia; đảm bảo tính kết nối với các ngành, địa phương trong tỉnh; bám sát những dự báo để có giải pháp ứng phó, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện phải đảm bảo khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các cấp, các ngành, gắn với khả năng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công.

d) Các chỉ tiêu phát triển phải phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phù hợp chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh, của địa phương; đối với các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực đề nghị bổ sung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải đảm bảo khả năng thu thập, đánh giá và dự báo kết quả thực hiện.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

I. Đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Trên cơ sở dự kiến tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các Sở, ban, ngành và địa phương tổ chức đánh giá và dự ước kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực được phân công, phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, chính xác các kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, trong đó yêu cầu đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh đến ngành, lĩnh vực, địa phương, cụ thể:

1. Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại: Nghị quyết số 32-NQ/TU ngày 05/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ năm 2023; Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Bắc Kạn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh năm 2023; Quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 10/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023; Quyết định số 2519/QĐ-UBND ngày 23/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Yêu cầu các Sở, ngành đánh giá, phân tích các kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và dự ước đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao; báo cáo đầy đủ các chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 2388/QĐ- UBND ngày 10/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. UBND các huyện, thành phố đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện, Hội đồng nhân dân và Quyết định giao kế hoạch của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

3. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

a) Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ- CP ngày 30/01/2022 của chính phủ. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội.

b) Tình hình phát triển kinh tế:

- Tăng trưởng kinh tế (chỉ đánh giá đối với cấp tỉnh).

- Thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp; dịch vụ, du lịch.

- Thực hiện kế hoạch đầu tư công; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

[...]