Chỉ thị 04/2014/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu | 04/2014/CT-UBND |
Ngày ban hành | 10/03/2014 |
Ngày có hiệu lực | 10/03/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Đinh Viết Hồng |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2014/CT-UBND |
Nghệ An, ngày 10 tháng 3 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI Ở CHÓ, MÈO NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây nên. Chó, mèo bị bệnh dại truyền vi rút sang người qua vết thương cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Người bị chó, mèo cắn, nếu không được tiêm phòng vắc xin dại sẽ lên cơn dại (vật vã, đau đớn, sùi bọt mép, bị co cứng, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn…), tất cả các bệnh nhân khi lên cơn dại đều bị tử vong.
Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2007 đến nay đã có 43 người tử vong do bệnh dại (huyện Quỳnh Lưu: 17 ca, Anh Sơn: 6 ca, Nghĩa Đàn: 4 ca, TX. Thái Hòa: 3 ca); Các huyện khác Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Con Cuông, Đô Lương, Quỳ Châu, Nam Đàn, Yên Thành, Quỳ Hợp mỗi huyện 1 - 2 ca. Ngoài ra, hàng năm có trên 3.000 người phải đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại do bị chó, mèo nghi dại cắn, gây tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân.
Nguyên nhân chủ yếu do đàn chó, mèo nuôi không được tiêm phòng bệnh dại triệt để, nhiều nơi tiêm phòng đạt tỷ lệ rất thấp, có địa phương còn bỏ trắng không tiêm; hiện tượng chó, mèo nuôi thả rông, không được quản lý còn phổ biến ở các địa phương. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại, còn chủ quan, khi bị chó, mèo dại cắn không đến các cơ sở y tế để tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh dại, do đó sau một thời gian bị phát bệnh dại và tử vong.
Trước diễn biến bệnh dại bùng phát hiện nay, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người trong cộng đồng, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang nghiêm túc thực hiện Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật, trong đó chú trọng một số nội dung:
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
a) Tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và PTNT và Y tế trong công tác phòng, chống bệnh dại.
c) Chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh:
Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin dại cho các địa phương.
2. Sở Y tế
Đảm bảo đầy đủ số lượng thuốc phòng bệnh dại để tiêm phòng kịp thời cho người bị chó, mèo nghi bị bệnh dại cắn. Tổ chức mạng lưới y tế tiêm phòng bệnh dại đáp ứng yêu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, phối hợp với ngành thú y để điều tra dịch tễ bệnh dại trên đàn vật nuôi tại các địa bàn có liên quan với bệnh nhân.
3. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về bệnh dại, tính chất nguy hiểm của bệnh dại ở chó, mèo khi lây sang người để nhân dân hiểu và phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh dại; tự giác đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin khi bị chó, mèo cắn.
b) Tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo đạt 100% diện tiêm và tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới đẻ, nuôi mới... theo kế hoạch tiêm phòng hàng năm của UBND huyện, thành, thị.
c) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường phối hợp với chính quyền cấp xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn.
d) Chỉ đạo Ban phòng chống dịch gia súc, gia cầm huyện, xã tổ chức họp giao ban định kỳ và đột xuất để chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh dại.
e) Huy động lực lượng phục vụ công tác phòng, chống bệnh dại. Chỉ đạo Trạm Thú y cùng với chính quyền địa phương cấp xã tham mưu, trình UBND huyện ra quyết định cưỡng chế buộc tiêu hủy chó của chủ vật nuôi không chấp hành tiêm vắc xin dại tại địa phương.
f) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn:
- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại cho người và động vật.
- Tăng cường quản lý đàn chó, mèo, tổ chức cho các hộ gia đình đăng ký nuôi chó, mèo.
- Giao trách nhiệm giám sát, phát hiện bệnh dại trên đàn chó, mèo cho xóm trưởng, cán bộ thú y xã, phường, thị trấn, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tham gia giám sát tình hình bệnh dại đến tận hộ nuôi chó, mèo;
- Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo.
- Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
4. Các cơ quan thông tin và truyền thông
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT và TH tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn phối hợp với ngành Nông nghiêp và PTNT, Y tế tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống để người dân nâng cao nhận thức trong phòng, chống bệnh dại trên người cũng như hợp tác với cơ quan thú y trong phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo.
5. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.