Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 04/2014/CT-CA về triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 04/2014/CT-CA
Ngày ban hành 31/12/2014
Ngày có hiệu lực 31/12/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Trương Hòa Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2014/CT-CA

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN

Ngày 24-11-2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật tổ chức Toà án nhân dân[1]. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ chương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Luật tổ chức Tòa án nhân dân là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của của Tòa án nhân dân, bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Với tinh thần nêu trên, Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung căn bản, từ phạm vi điều chỉnh đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân; các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các Tòa án nhân dân; chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác; chế độ bầu (cử) Hội thẩm; nhiệm vụ của Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; các quy định bảo đảm hoạt động của Tòa án.

Để thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2014/QH13 về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân; Chủ tịch nước đã ban hành Lệnh số 21/2014/L-CTN ngày 04-12-2014 công bố Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức quán triệt cho Thẩm phán, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý về Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, đặc biệt là những nội dung mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân so với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002; tích cực và chủ động tham gia công tác triển khai thi hành Luật; chủ động đề xuất ý kiến về những việc cần thực hiện để bảo đảm cho việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân đạt kết quả cao nhất, trong đó cần tập trung triển khai các nhiệm vụ sau đây:

1. Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương:

Việc thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc trong các cơ quan nhà nước, đồng thời phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của Tòa án nhân dân; bảo đảm cho bộ máy giúp việc hoạt động có hiệu quả để các Tòa án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân; không làm cho bộ máy cồng kềnh, gây lãng phí về biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp với Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao và các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao xây dựng dự thảo Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo Tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015 để tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước ngày 01-6-2015.

Giao cho Vụ Thống kê - Tổng hợp chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng dự thảo Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định trước ngày 01-02-2015.

2. Thành lập các Tòa án nhân dân cấp cao:

Việc thành lập Tòa án nhân dân cấp cao, số lượng các Tòa án nhân dân cấp cao, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án nhân dân cấp cao phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân; xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tính chất đặc thù công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao; trên cơ sở cân nhắc số lượng các vụ việc dự kiến phải giải quyết của mỗi Tòa án nhân dân cấp cao, đặc thù địa lý, mật độ dân số, tình hình kinh tế, xã hội của các vùng miền, bảo đảm hoạt động bình thường và có hiệu quả của các Tòa án khi Luật tổ chức Tòa án nhân dân có hiệu lực.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp với Viện khoa học xét xử và các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề xuất và xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập các Tòa án nhân dân cấp cao, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án; biên chế, số lượng Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp cao, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015 để tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước ngày 01-6-2015.

3. Tổ chức các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:

Việc tổ chức các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải được tổ chức một cách hợp lý, căn cứ vào dự kiến thẩm quyền của từng Tòa chuyên trách, số lượng từng loại vụ việc cụ thể dự kiến phải giải quyết ở mỗi Tòa án (vụ án hình sự; vụ án hành chính; vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động; các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân) nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án chuyên trách, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tính hợp lý, tinh gọn, tiết kiệm.

Giao Viện khoa học xét xử chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đề xuất và xây dựng dự thảo Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định trước ngày 01-02-2015.

4. Chuẩn bị nhân sự để đề xuất làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; xây dựng Quy chế làm việc của Hội đồng:

Công tác chuẩn bị nhân sự để đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia là hết sức quan trọng, phải được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng thành phần, đúng đối tượng theo quy định tại Điều 70 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, dân chủ và khoa học, tạo cơ sở pháp lý để Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và từng thành viên của Hội đồng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành quy trình chuẩn bị nhân sự đề xuất làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; xây dựng dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và Tờ trình, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015 để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 01-06-2015.

5. Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn
Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp:

Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp phải bảo đảm quy trình chặt chẽ, minh bạch, công bằng và dân chủ, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn để lựa chọn được những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp, đồng thời không làm trở ngại cho công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán.

Giao Trường Cán bộ Tòa án chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015.

6. Xây dựng quy trình ban hành án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

Quy trình ban hành án lệ của Tòa án nhân dân tối cao phải phải được thực hiện qua các bước: phát hiện, tuyển chọn, thẩm định và thông qua án lệ; bảo đảm giá trị pháp lý của án lệ; bảo đảm các án lệ được ban hành là những bản án, quyết định có tính chuẩn mực, có giá trị nghiên cứu và áp dụng trong xét xử.

Giao Viện khoa học xét xử xây dựng quy trình ban hành án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-03-2015.

7. Xây dựng quy trình và chuẩn bị nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để trình Quốc hội phê chuẩn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm; quy trình tuyển chọn nhân sự, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp:

Việc xây dựng quy trình và lựa chọn nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán khác phải phải căn cứ vào các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại các điều 67, 68, 69 và 72 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân; Điều 1 Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội; đồng thời phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt phải tuân thủ tuyệt đối yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng.

Giao Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình và chuẩn bị đề xuất nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; xây dựng quy trình lập hồ sơ và đề nghị Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp đối với các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã được bổ nhiệm trước ngày 01-6-2015 nhưng không được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân mới; xây dựng quy trình tuyển chọn nhân sự, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 01-02-2015.

[...]