Chỉ thị 04/2012/CT-UBND tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ lao động tỉnh Lào Cai đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Số hiệu | 04/2012/CT-UBND |
Ngày ban hành | 15/11/2012 |
Ngày có hiệu lực | 25/11/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lào Cai |
Người ký | Nguyễn Văn Vịnh |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2012/CT-UBND |
Lào Cai, ngày 15 tháng 11 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LAO ĐỘNG TỈNH LÀO CAI ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
Thực hiện Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; trong những năm qua các cấp, các ngành của tỉnh Lào Cai đã quan tâm phối hợp triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đưa lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt đối với lao động thuộc các huyện nghèo: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai. Hàng năm, có hàng trăm lao động được tuyển dụng, đào tạo, giáo dục định hướng đi làm việc ở nước ngoài, giúp người lao động có việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương. Bản thân người lao động đi xuất khẩu lao động được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng tay nghề, ý thức kỷ luật lao động từng bước được nâng cao, góp phần phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế, đó là công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về xuất khẩu lao động chưa được thường xuyên và rộng khắp, chủ yếu mới tập trung ở những huyện nghèo; công tác phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu lao động còn hạn chế; một số doanh nghiệp chưa tích cực trong tuyển chọn, đào tạo, để người lao động chờ xuất cảnh quá lâu làm ảnh hưởng đến tâm lý, việc làm và đời sống.
Để khắc phục những tồn tại trên, nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người lao động đi xuất khẩu lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt chính sách hỗ trợ đối với lao động thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ và thân nhân người có công, lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở các địa phương không thuộc huyện nghèo đi xuất khẩu lao động để nhân dân, người lao động biết và chủ động tham gia.
2. Việc tuyển chọn, đào tạo, đưa lao động đi xuất khẩu lao động là thực hiện mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, phục vụ xóa đói, giảm nghèo, vì vậy mỗi cấp, mỗi ngành cần xác định rõ trách nhiệm và xây dựng chương trình kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh có trách nhiệm:
a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện chế độ hỗ trợ đối với người lao động theo sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực, có thị trường xuất khẩu lao động ổn định, phù hợp với trình độ người lao động, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đi xuất khẩu lao động (riêng các huyện nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn và cho phép); thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp được cấp phép để các ngành, địa phương phối hợp thực hiện.
c) Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng Kế hoạch xuất khẩu lao động hàng năm trình Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh xem xét, phê duyệt; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ xuất khẩu lao động cho cán bộ quản lý của các địa phương; hướng dẫn kịp thời chế độ chính sách, tiêu chuẩn điều kiện đi xuất khẩu lao động, các chế độ, quyền lợi của người lao động khi đi xuất khẩu lao động để các địa phương biết, chủ động triển khai thực hiện.
d) Hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động; thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Kiện toàn Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của huyện, thành phố; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo (ở các huyện nghèo) hoặc tổ giúp việc công tác xuất khẩu lao động để triển khai thực hiện.
b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu thị trường xuất khẩu lao động để người lao động lựa chọn đăng ký tham gia; hỗ trợ người lao động hoàn thiện các thủ tục đi xuất khẩu lao động.
c) Phối hợp với các ngành chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn.
d) Đối với các huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai quán triệt thực hiện tốt nội dung Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, bảo đảm tạo điều kiện cho lao động thuộc các xã, thị trấn đi xuất khẩu lao động theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
đ) Phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo dõi tình hình lao động của địa phương ở nước ngoài, tuyên truyền để người lao động tự giác chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại và trở về địa phương khi kết thúc thời hạn làm việc ở nước ngoài.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện nghèo tổ chức dạy văn hóa cho người lao động đi xuất khẩu lao động nhưng chưa đủ trình độ văn hóa theo chế độ hiện hành.
b) Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường hoạt động định hướng nghề nghiệp, tuyên truyền giới thiệu về chính sách, pháp luật và mục tiêu, kế hoạch xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến học sinh khối 12 thuộc các trường Trung học phổ thông, học viên các Trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh.
6. Công an tỉnh
Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện và thành phố tổ chức tiếp nhận và hướng dẫn người lao động về thủ tục làm hộ chiếu, chứng minh nhân dân, đồng thời công khai việc thu lệ phí để mọi người đều biết, phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, môi giới, cò mồi trong việc làm hộ chiếu, chứng minh nhân dân cho người đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng việc thực hiện chính sách lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để hoạt động sai quy định.
7. Sở Y tế
a) Chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức khám cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người lao động nhanh chóng, kịp thời.
b) Chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện trình cấp có thẩm quyền xét công nhận cơ sở đủ điều kiện khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động của địa phương.
8. Sở Tư pháp
Hỗ trợ người lao động làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp; Hỗ trợ người lao động chứng thực giấy tờ, thực hiện trợ giúp pháp lý cho lao động thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.