Chỉ thị 03/CT-UBND thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 do tỉnh Vĩnh Long ban hành

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 08/02/2023
Ngày có hiệu lực 08/02/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Lữ Quang Ngời
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Vĩnh Long, ngày 08 tháng 02 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN VÀ GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023

Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh được kiểm soát, thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công, ngay từ đầu năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, triển khai. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) đã chủ động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc nên kết quả giải ngân đạt khá (trên 95%); nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, phục vụ các sự kiện chính trị văn hóa lớn của tỉnh, thực hiện mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ cấu lại kinh tế. Kết quả đó, đã đóng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặt biệt GRDP của tỉnh đạt 11,28%.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn một số dự án, chủ đầu tư, triển khai thực hiện chậm, chưa đạt yêu cầu; ngoài những nguyên nhân khách quan như biến động giá nguyên vật liệu, thời tiết, dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận,… thì nguyên nhân chủ quan là: (i) lãnh đạo một số sở ngành, địa phương chưa quyết liệt và thường xuyên trong chỉ đạo triển khai thực hiện; (ii) một số chủ đầu tư chưa chủ động và chậm trong công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; công tác tổ chức thực hiện, theo dõi, quản lý dự án của một số chủ đầu tư chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao; (iii) một số địa phương thực hiện chưa quyết liệt công tác đền bù giải phóng mặt bằng; (iv) phối hợp giữa một số ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và chủ đầu tư trong giải quyết khó khăn, vướng mắc đôi lúc chưa kịp thời, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, trong lập/điều chỉnh dự án, thiết kế/điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

Để thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra,... Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nội dung chủ yếu sau:

1. Tập trung hoàn thiện các thủ tục để khởi công và đẩy nhanh thực hiện các dự án

1.1. Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo chủ đầu tư:

Khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ để trình thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thực hiện công tác thiết kế, dự toán và tổ chức lựa chọn nhà thầu ngay trong tháng đầu quý 1 năm 2023.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, đoàn thể thực hiện tốt công tác vận động thu hồi đất, kiểm kê áp giá bồi hoàn, phê duyệt phương án bồi hoàn giải phóng mặt bằng theo đúng trình tự, thụ tục quy định của pháp luật; bàn giao mặt bằng kịp thời cho nhà thầu thi công.

1.2. Chủ đầu tư tập trung thực hiện

- Dự án khởi công mới: (1) Đối với Báo cáo kinh tế kỹ thuật, hoàn chỉnh các thủ tục và lựa chọn nhà thầu để khởi công trước ngày 28/02/2023; (2) Đối với các dự án thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hoàn chỉnh các thủ tục và lựa chọn nhà thầu để khởi công trước ngày 30/3/2023.

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, nhất là đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh, không để xảy ra kiến nghị trong đấu thầu do công tác lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm triển khai hoàn thành các gói thầu theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.

- Đối với các dự án chuyển tiếp: Đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay từ đầu năm, đảm bảo tiến độ theo hợp đồng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

- Chủ động rà soát và thực hiện nhanh các thủ tục điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có); xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án/gói thầu theo thẩm quyền; không đề xuất, đùn đẩy xử lý các công việc thuộc thẩm quyền xử lý của chủ đầu tư lên cấp trên làm chậm thời gian thực hiện dự án.

2. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

2.1. Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Chỉ đạo, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch vốn, định kỳ hàng tuần họp giao ban đánh giá tình hình thực hiện; rà soát các kiến nghị khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư và khẩn trương phối hợp giải quyết, tháo gỡ dứt điểm theo thẩm quyền, đối với những nội dung vượt thẩm quyền sớm báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết.

- Chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện tốt các nội dung sau:

+ Chủ động làm việc với cơ quan Tài chính, Kho bạc nhà nước để thực hiện các thủ tục tạm ứng, giải ngân; trong thời hạn 04 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu phải làm thủ tục thanh toán, không dồn vốn vào cuối năm; đồng thời, gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đợt cuối năm 2023 về Kho bạc nhà nước đúng thời gian quy định để kiểm soát thanh toán. Trường hợp nguồn vốn ngân sách tỉnh chưa chuyển về kịp thời để thực hiện tạm ứng, giải ngân cho các dự án, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo sử dụng tồn quỹ ngân sách cấp mình để thực hiện, khi ngân sách tỉnh bổ sung sẽ hoàn nguồn cho ngân sách cấp huyện.

+ Đối với dự án sử dụng nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn ngân sách trung ương thì ưu tiên giải ngân nguồn trung ương trước.

+ Đối với dự án sắp hoàn thành: Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành, thanh toán vốn cho nhà thầu; nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.

+ Đối với các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng: Khẩn trương lập hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán, xử lý dứt điểm công nợ để tất toán dự án.

+ Giám sát chặt chẽ công tác lựa chọn nhà thầu bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai hoàn thành các gói thầu; chỉ đạo xử phạt nghiêm các nhà thầu tư vấn, thi công triển khai chậm tiến độ; kiên quyết xử lý, chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu không đủ năng lực, lựa chọn nhà thầu thay thế có đủ năng lực để thực hiện.

+ Chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đối với các dự án: Đến ngày 30/6/2023, những dự án chưa khởi công, chưa giải ngân (trừ trường hợp đặc biệt) hoặc dự án đã khởi công và giải ngân nhưng đến ngày 30/8/2023 có tiến độ thực hiện chậm và tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% thì đề xuất cắt điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ.

+ Thực hiện phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo, cán bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện đối với từng dự án; thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành, hoàn tạm ứng ngân sách; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, người đứng đầu được giao nhiệm vụ chỉ đạo, triển khai các dự án chậm, không đạt kế hoạch.

+ Tăng cường việc quản lý vốn tạm ứng cho các nhà thầu, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và có trách nhiệm hoàn trả đủ số vốn đã tạm ứng theo quy định[1]; đối với các khoản tạm ứng yêu cầu có bảo lãnh tạm ứng thì thời gian có hiệu lực của chứng thư bảo lãnh tạm ứng phải được kéo dài cho đến khi thu hồi hết số tiền đã tạm ứng.

+ Rà soát, thực hiện hoàn tạm ứng ngân sách đối với các khoản tạm ứng đã đến hạn nhưng chưa thực hiện hoàn tạm ứng theo quy định.

+ Thực hiện dứt điểm các nội dung kết luận của thanh tra, kiểm toán nhà nước (nếu có). Tập trung xử lý dứt điểm các khoản tạm ứng quá hạn; xử lý dứt điểm các khoản phải thu, phải trả ngay khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành để tất toán tài khoản dự án theo quy định.

[...]