Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2019 về nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian đến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 12/10/2019
Ngày có hiệu lực 12/10/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Trung Chinh
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Đà Nẵng, ngày 12 tháng 10 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG THỜI GIAN ĐẾN TRÊN ĐỊA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Năm 2019, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai trên diện rộng và từng bước đi vào chiều sâu, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được đánh giá cao; đội ngũ báo cáo viên pháp luật thành phố, quận, huyện; tuyên truyền viên phường, xã được bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức chuyên môn, tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong việc đưa pháp luật đến với người dân. Hình thức tuyên truyền, phổ biến có nhiều cải tiến, sáng tạo, đã tạo hiệu ứng tích cực trên thực tế. Nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của các tầng lớp Nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng chặt chẽ, bài bản và hiệu quả hơn. Các cơ quan, tổ chức từ thành phố đến cơ sở đã phát huy vai trò trong triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật .Qua đó,đã góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định như: Chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đồng đều, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hiểu biết và ý thức chấp hành của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân còn hạn chế, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện chưa được giải quyết triệt để, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật có nơi, có thời điểm diễn biến phức tạp, khó lường… Nguyên nhân cơ bản của tồn tại, hạn chế nêu trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của cấp ủy, lãnh đạo một số ngành, đại phương chưa thật quyết liệt, việc phối hợp, kết hợp trong tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được thường xuyên, chặt chẽ, đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở còn hạn chế nhiều mặt.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian đến tại thành phố Đà Nẵng và tiếp tục triển khai đồng bộ có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố chỉ thị các sở, ban, ngành và đoàn thể; Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thống nhất, đồng bộ Quyết định số 4932/QĐ-UBND ngày 05/9/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ không thể tách rời với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, Xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác này trong giai đoạn hiện nay.Tổ chức thực hiện tốt các nội dung tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

2. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị, địa phương, các nghị quyết của hội đồng nhân dân thành phố về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình địa bàn, dân cư, các vấn đề nổi lên của địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2019 và các năm tiếp theo.

3. Bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất và phương tiện cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch số 6137/KH- UBND ngày 12/9/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai Đề án ‘Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

4. Đối với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố; quận, huyện

a) Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố; quận, huyện) có nhiệm vụ:

- Làm tốt hơn nữa vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng, tham mưu, hướng dẫn các hoạt động về phổ biến, giáo dục pháp luật, định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, là đầu mối theo dõi, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các loại hình tư vấn pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý…,

- Thường xuyên củng cố, kiện toàn, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật thành phố, quận, huyện; tuyên truyền viên pháp luật phường, xã cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cán bộ, công chức pháp chế các sở, ngành để kịp thời củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng và tạo điều kiện để đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động hiệu quả, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ này theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện công tác phổ biến đối với các tổ chức sự nghiệp trực thuộc và tại cơ quan, đơn vị và địa phương mình.

- Hàng năm tổ chức kiểm tra việc thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên đại bàn thành phố, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Các cơ quan, tổ chức thành viên của Hội đồng phải thường xuyên tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thành viên Hội đồng, cán bộ trực tiếp tham mưu triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện nghiêm túc Quy chế và Chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của Hội đồng. Tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm theo đúng thời gian quy định.

5. Sở giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, trong đó tập trung thực hiện tốt các hoạt động tổ chức dạy và học kiến thức pháp luật phù hợp ở các cấp học và trình độ đào tạo theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thành phố xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật, tăng cường thời lượng phát sóng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có kế hoạch phát triển và nâng cao trình độ lý luận chính trị, pháp lý cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên về pháp luật, bảo đảm thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai có hiệu quả công tác đánh giá phường, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 và Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, hội viên, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành pháp luật, vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật

9. Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, lựa chọn những vụ án điển hình, có tính răn đe, giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm ngăn ngừa tội phạm và phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

10. các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về pháp luật có trách nhiệm tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức tham gia hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật

11. giao sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện cùng với báo cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trung Chinh

 

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ