Chỉ thị 03/2013/CT-UBND về nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 03/2013/CT-UBND
Ngày ban hành 06/09/2013
Ngày có hiệu lực 13/09/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Huyện Bình Chánh
Người ký Nguyễn Văn Tươi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN BÌNH CHÁNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2013/CT-UBND

Bình Chánh, ngày 06 tháng 09 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 (trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014). Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định và bổ sung nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới. Trong những năm qua, công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Bình Chánh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực trong công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, cụ thể như: công tác lập biên bản vi phạm hành chính chưa đúng quy định; trình tự, thủ tục ban hành một số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính pháp lý; nội dung, thể thức một số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa chính xác; công tác thi hành và việc chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa triệt để; công tác lưu trữ hồ sơ, thống kê, theo dõi, tổng hợp, báo cáo việc ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đầy đủ, khoa học…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Bình Chánh, Ủy ban nhân dân Huyện chỉ thị Trưởng Công an Huyện, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự Huyện, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bình Chánh, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Bình Chánh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Chánh, Trạm trưởng Trạm Thú y và Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (sau đây gọi là các cơ quan có thẩm quyền xử phạt); các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân Huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

a) Giao Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành với nội dung và các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp với từng đối tượng cụ thể, đảm bảo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân và cán bộ, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính.

Biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Giao Đài Truyền thanh - Bản tin Bình Chánh tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trên Đài Truyền Thanh; đồng thời mở chuyên trang, chuyên mục về Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trên Bản tin Bình Chánh.

c) Các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân Huyện, các đơn vị có thẩm quyền xử phạt và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức phổ biến Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; có kế hoạch tổ chức thường xuyên để phổ biến sâu rộng về nội dung pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Nâng cao chất lượng công tác lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

a) Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân Huyện tham mưu Ủy ban nhân dân Huyện phân công đúng người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, đảm bảo nội dung biên bản được lập phải đúng quy định; công tác ban hành Quyết định xử phạt, phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thể thức ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đảm bảo các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành phải chính xác, kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật.

Chủ động tự kiểm tra và thường xuyên đôn đốc cán bộ, công chức thuộc quyền cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành quy định về công tác xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện nghiêm chỉnh việc lưu trữ hồ sơ, thống kê, theo dõi các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành một cách đầy đủ, khoa học và báo cáo đầy đủ, đúng thời hạn về tình hình xử phạt vi phạm hành chính.

Phối hợp chặt chẽ với Công an Huyện để xác định đúng các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, chuyển hồ sơ vụ vi phạm hoặc tham mưu người có thẩm quyền xử phạt chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho Công an Huyện để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Tổ chức hoặc phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn các nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính cho công chức tham mưu và người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan, địa phương mình.

b) Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân Huyện tăng cường công tác kiểm tra các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, trước khi trình cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đảm bảo đúng thể thức, kịp thời và phù hợp với quy định pháp luật; phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức các hội nghị tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Huyện.

c) Giao Phòng Tư pháp biên soạn các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính có nội dung phù hợp với từng đối tượng được tập huấn. Tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lãnh đạo, công chức trực tiếp làm công tác xử phạt lý vi phạm hành chính; phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn nghiệp vụ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Huyện.

Tham mưu Ủy ban nhân dân Huyện Quy trình ban hành, theo dõi việc chấp hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện.

Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân Huyện, Phòng Tài chính Kế hoạch nghiên cứu, thuê các đơn vị có chức năng xây dựng phần mềm, áp dụng ISO trong công tác ban hành, theo dõi việc chấp hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện.

3. Nâng cao hiệu quả việc chấp hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

a) Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tham mưu Ủy ban nhân dân Huyện ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm vận động, giải thích về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành Quyết định xử phạt và hậu quả pháp lý của việc không chấp hành Quyết định xử phạt.

b) Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm thống kê đầy đủ, kịp thời về tình hình chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt để xem xét ban hành Quyết định cưỡng chế thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật, nếu người bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành.

c) Giao Trưởng Phòng Quản lý đô thị chỉ đạo Đội Quản lý trật tự đô thị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo qui định pháp luật, khi có chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện; thống kê, báo cáo số liệu, tình hình thực hiện Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

d) Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bình Chánh có trách nhiệm thực hiện việc thu tiền nộp phạt của tổ chức, cá nhân bị xử phạt theo quy định; phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tham mưu Ủy ban nhân dân Huyện ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện việc thống kê, báo cáo đầy đủ công tác chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

đ) Giao Phòng Tài chính Kế hoạch có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính về việc sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính để hỗ trợ kinh phí cho cơ quan, tổ chức thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính theo quy định và tham mưu kinh phí thực hiện Quyết định cưỡng chế hành chính theo quy định.

4. Tăng cường công tác quản lý theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

a) Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị tham mưu Ủy ban nhân dân Huyện ban hành Quyết định xử phạt, thực hiện việc báo cáo công tác tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, địa phương mình đến Ủy ban nhân dân Huyện (thông qua Phòng Tư pháp) trước ngày 05 tháng 4 đối với báo cáo định kỳ 06 tháng; trước ngày 05 tháng 10 đối với báo cáo hàng năm (thời điểm lấy số liệu đối với báo cáo định kỳ 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 31 tháng 3 năm sau; đối với báo cáo hàng năm, từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm sau).

b) Giao Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân Huyện tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện thực hiện công tác báo cáo định kỳ 06 tháng, hàng năm về tình hình xử phạt vi phạm hành chính và báo cáo về tình hình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đảm bảo đúng nội dung và thời gian theo quy định;

[...]