Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 03/2006/CT-UBND tổ chức triển khai chương trình cải cách hiện đại hoá công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 03/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 30/05/2006
Ngày có hiệu lực 09/06/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Huỳnh Tấn Thành
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2006/CT-UBND

Phan Thiết, ngày 30 tháng 5 năm 2006

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HIỆN ĐẠI HOÁ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện thông báo số 147 TB/TW ngày 16/7/2004 của Bộ Chính trị và chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 6/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tổng quát: xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, có cơ cấu hợp lý phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm đảm bảo chính sách động viên thu nhập quốc dân, đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần thực hiện bình đẳng, công bằng xã hội và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Triển khai chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, phạm vi ở địa phương cần tập trung vào cải cách hiện đại hoá công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước đạt được kết quả cao, tương xứng với nguồn lực kinh tế của Tỉnh; đồng thời kích thích sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Cục Thuế tỉnh Bình Thuận là một trong năm Cục Thuế trên cả nước được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế chọn làm thí điểm triển khai chương trình cải cách - hiện đại hoá công tác quản lý thuế theo cơ chế “tự khai - tự nộp thuế” từ ngày 01/10/2005. Để hỗ trợ cho ngành Thuế thực hiện thành công chương trình cải cách hiện đại hoá công tác quản lý thu ngân sách; đồng thời nâng cao chức năng chuyên môn của các Cấp, các Ngành gắn liền với công tác quản lý, điều hành và khai thác nguồn thu ngân sách Nhà nước, UBND Tỉnh chỉ thị các Sở, Ban, Ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế thực hiện công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CẢI CÁCH HIỆN ĐẠI HOÁ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Quán triệt chủ trương để xây dựng nhận thức mới về sự nghiệp cải cách - hiện đại hoá công tác thuế.

Cải cách hành chính và hiện đại hoá hệ thống thuế nước ta hiện nay, thật sự là nhiệm vụ chiến lược, mang tính toàn diện và sâu sắc; đồng thời đưa trình độ quản lý thuế nước ta trong thập kỷ tới ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp, các ngành phải tổ chức học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên nhằm nhận thức thông suốt mục tiêu, yêu cầu, nội dung công việc và các chương trình cải cách hệ thống Thuế đến năm 2010 theo lộ trình phù hợp; đặc biệt là nhận thức của cán bộ lãnh đạo của các cấp, các ngành phải xác định nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước là nhiệm vụ trong tâm và chính sách thuế tác động mạnh mẽ, rất nhạy cảm đến sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp Uỷ và Uỷ ban Nhân dân các cấp; phối hợp chặt chẽ của các Sở, Ban, Ngành trong tất cả các mặt của lĩnh vực thuế và cải cách hệ thống thuế.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về các chính sách thuế để mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thuế. Biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời phê phán mạnh mẽ và xử lý nghiêm khắc các hiện tượng, hành vi vi phạm thuế.

4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cụ thể hoá các cơ chế, chính sách: quản lý đất đai; đăng ký kinh doanh; chế độ thanh toán; chế độ kế toán, hạch toán; quy trình công nghệ, định mức kinh tế kỹ thuật; đăng ký, kê khai nộp thuế; xử lý nợ đọng thuế...để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý thuế và cải cách hệ thống thuế.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính Nhà nước và quản lý thuế:

Việc đưa công nghệ thông tin ứng dụng vào công tác quản lý Nhà nước và quản lý thuế luôn được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính Nhà nước, thuế; nâng cao chất lượng quản lý theo công nghệ hiện đại, giải quyết được các yêu cầu trong quản lý, đó là: tiết kiệm thời gian; tiết kiệm chi phí; tiết kiệm nguồn nhân lực và đạt hiệu quả quản lý tốt nhất.

Triển khai ngay việc nối mạng máy tính giữa các cơ quan chủ yếu của ngành Tài chính: Tài chính - Kho bạc - Thuế từ Tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố để trao đổi cập nhật thông tin kịp thời, phục vụ tốt công tác quản lý thu ngân sách Nhà Nước.

Tiến đến thực hiện nối mạng máy tính giữa cơ quan Thuế với cơ quan Đăng ký kinh doanh với UBND các cấp và các Sở, Ngành khác để tạo thuận lợi trong phối hợp, điều hành quản lý thu ngân sách Nhà nước.

6. Khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, cung cấp dịch vụ thuế, kế toán, kiểm toán, đại lý thuế nhằm giúp cho tổ chức, cá nhân nộp thuế hiểu rõ các quy định của pháp luật về thuế, làm tốt công tác kế toán, thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế.

7. Kiện toàn bộ máy ngành thuế theo mô hình quản lý thuế theo chức năng, thực hiện cơ chế tự khai tự nộp thuế; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý thuế; tăng cường trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế các cấp.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH.

1. Ngành thuế Bình Thuận:

- Có trách nhiệm sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ quản lý thuế theo cơ chế “tự khai, tự nộp thuế” theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế; tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức cho cán bộ Thuế để đảm bảo thực hiện tốt các chương trình hiện đại hoá công tác quản lý thu thuế thí điểm trên địa bàn tỉnh;

- Có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với các Cấp, các Ngành trong thực hiện công tác quản lý thuế; tham mưu đề xuất kịp thời với Lãnh đạo cấp Uỷ, UBND cùng Cấp về chính sách, giải pháp quản lý thuế. Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở, ban, ngành cơ quan thuế cùng thống nhất xây dựng Quy chế phối hợp để thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong quản lý thu ngân sách Nhà nước;

- Có trách nhiệm tổ chức Hội thảo, tập huấn các chương trình cải cách quản lý thuế cho các Sở, Ngành hữu quan và tất cả các doanh nghiệp thực hiện tự khai, tự nộp thuế;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan, chủ trì xây dựng các đề án ứng dụng công nghệ tin học vào các lĩnh vực sau:

+ Nối mạng tin học giữa các cơ quan Tài chính - Kho bạc - Thuế cấp Tỉnh và cấp huyện - thị xã - thành phố; xây dựng các chương trình phục vụ cung cấp thông tin trong các lĩnh vực chuyên môn phối hợp.

+ Nối mạng tin học giữa các cơ quan Thống kê; Đăng ký kinh doanh; các Sở Ngành quản lý kinh tế; Tài nguyên & Môi trường; các Ngân hàng thương mại với các cơ quan Tài chính - Kho bạc - Thuế.

2. Sở Tư pháp:

- Phối hợp với cơ quan thuế và các cơ quan khác nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế tại địa phương;

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong quá trình thẩm định góp ý các văn bản Pháp luật trình UBND cùng cấp nhanh chóng, hiệu quả; thẩm định kiến nghị UBND về các chính sách của tỉnh liên quan đến thuế đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện của địa phương để tạo môi trường thông thoáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

[...]