Quyết định 201/2004/QĐ-TTg phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 201/2004/QĐ-TTg
Ngày ban hành 06/12/2004
Ngày có hiệu lực 26/12/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 201/2004/QĐ-TTG NGÀY 06 THÁNG 12 NĂM 2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HỆ THỐNG THUẾ ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010;
Căn cứ ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại công văn số 147-TB/TW ngày 16 tháng 7 năm 2004 của Ban Chấp hành Trung ương;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu tổng quát: xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, có cơ cấu hợp lý phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm đảm bảo chính sách động viên thu nhập quốc dân, đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần thực hiện bình đẳng, công bằng xã hội và chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu, yêu cầu cụ thể:

a) Chính sách thuế, phí và lệ phí (sau đây gọi chung là chính sách thuế) phải là công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế, động viên được các nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh sản xuất; khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

b) Chính sách thuế phải huy động đầy đủ các nguồn thu vào ngân sách nhà nước, đảm bảo nhu cầu chi tiêu thường xuyên của Nhà nước và dành một phần cho tích luỹ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đảm bảo tỷ lệ động viên về thuế vào ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt từ 20% - 21% GDP.

c) Chính sách thuế phải thể hiện và tạo ra những nội dung cụ thể phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm được yêu cầu về bảo hộ có chọn lọc, có thời hạn, có điều kiện một cách hợp lý, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm lợi ích quốc gia.

d) Chính sách thuế phải tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng. áp dụng hệ thống thuế thống nhất không phân biệt giữa các thành phần kinh tế cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

đ) Đẩy mạnh cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai; tách chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế.

e) Nhanh chóng hiện đại hoá và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý thuế; khắc phục các hiện tượng tiêu cực, yếu kém làm cho bộ máy quản lý thuế trong sạch, vững mạnh.

3. Nội dung cải cách hệ thống chính sách thuế:

a) Ban hành mới các sắc thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử; thuế bảo vệ môi trường; thuế tài sản; thuế sử dụng đất.

Việc ban hành và thực hiện các sắc thuế mới trên đây phải chú ý đến đối tượng, mức độ và thời điểm áp dụng cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo ổn định sản xuất, thị trường và đời sống nhân dân.

b) Sửa đổi, bổ sung đồng bộ các sắc thuế hiện hành; tăng dần tỷ trọng các nguồn thu trong nước cho phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng diện thuế trực thu và tăng tỷ trọng thuế trực thu trong tổng số thu về thuế.

c) Nội dung, lộ trình cải cách một số sắc thuế chủ yếu:

- Thuế giá trị gia tăng: đến năm 2008 sẽ hoàn thiện theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế tạo điều kiện cho việc tính thuế, khấu trừ thuế được liên hoàn giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh; áp dụng một mức thuế suất để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế và đơn giản trong việc tính thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ; hoàn thiện phương pháp tính thuế, tiến tới xác định ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng để thực hiện một phương pháp tính thuế khấu trừ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt: đến năm 2008 sẽ hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp với mục tiêu điều tiết thu nhập và hướng dẫn tiêu dùng. Tiến tới xoá bỏ miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ thuế và nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng hoá sản xuất trong nước và nhập khẩu.

- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: trong năm 2005 sẽ trình Quốc hội hoàn thiện Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu theo hướng khuyến khích tối đa xuất khẩu; sửa đổi các quy định về thuế suất, giá tính thuế, thời hạn nộp thuế để thực hiện cam kết và thông lệ quốc tế; sửa đổi quy trình, thủ tục thu nộp thuế cho phù hợp với Luật Hải quan, góp phần tăng cường quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu theo cam kết quốc tế.

- Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử dự kiến sẽ trình Quốc hội ban hành vào cuối năm 2005.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: đến năm 2008 sẽ hoàn thiện theo hướng giảm mức thuế suất, giảm diện miễn, giảm thuế; thống nhất mức thuế suất và ưu đãi thuế giữa các thành phần kinh tế để khuyến khích đầu tư và đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh.

- Thuế thu nhập cá nhân: đến năm 2007 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế cho Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, thu hẹp sự khác biệt giữa đối tượng nộp thuế là người Việt Nam và người nước ngoài.

- Thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên: đến năm 2008 sẽ hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế.

- Thuế bảo vệ môi trường: đến năm 2008 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng đối tượng chịu thuế là các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường; căn cứ tính thuế được xác định phù hợp với từng loại hàng hoá, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường. Nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường chỉ dành để dùng cho bảo vệ môi trường, không dùng cho việc khác.

- Thuế tài sản: đến năm 2008 sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản theo hướng mở rộng đối tượng tài sản chịu thuế để bảo đảm công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ