Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2019 về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 02/CT-UBND
Ngày ban hành 14/01/2019
Ngày có hiệu lực 14/01/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Văn Phóng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Hưng Yên, ngày 14 tháng 01 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI 2019 VUI TƯƠI, LÀNH MẠNH, AN TOÀN, TIẾT KIỆM

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, điều hành bình ổn giá và đảm bảo trật tự an toàn xã hội Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 như sau:

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

a) Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; Chỉ thị số 30/CT- TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công điện số 1793/CĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019.

b) Các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội…Dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính.

c) Theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm; chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán.

d) Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc, không để chậm trễ gây ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

2. Sở Công Thương

a) Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự trữ, bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác dự báo, chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi toàn tỉnh.

b) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; xử nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính.

c) Tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm thông suốt từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đảm bảo chất lượng để cung cấp kịp thời, đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý, ổn định; tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam.

d) Chỉ đạo Công ty Điện lực Hưng Yên tích cực thực hiện các giải pháp, kế hoạch bảo đảm cung ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, không cắt điện trong dịp Tết; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; chú trọng công tác phòng, chống cháy nổ do chập điện tại các nơi công cộng, chợ, khu công nghiệp và khu dân cư.

3. Sở Tài chính

a) Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

b) Phối hợp với Sở Công Thương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ các tuyến và địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (như chất nổ, pháo, vũ khí, hàng hóa vi phạm môi trường, các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu, bia, gia cầm, thực phẩm....).

c) Kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, tài sản công. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kịp thời đề xuất cấp hàng dự trữ đúng đối tượng, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo đảm ổn định sản xuất, đặc biệt là phòng, chống rét đậm, rét hại; không để tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng; bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân vui Xuân đón Tết Nguyên đán.

b) Phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết.

c) Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan; không để lợn và sản phẩm thịt lợn từ các vùng đang có dịch bệnh tả lợn Châu Phi xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

5. Sở Y tế

a) Chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng; UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh, kẹo, rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và đấu tranh chống thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng thuốc, giá thuốc, giá các dịch vụ y tế; kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở y, dược theo đúng quy định của Nhà nước nhằm đảm bảo yêu cầu về giá và chất lượng; chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân, đặc biệt trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông.

6. Sở Giao thông Vận tải

a) Tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn Tết do không có xe; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, vé xe theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

b) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.

c) Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố giao thông.

[...]