Chỉ thị 02/CT-NHNN năm 2011 về chấn chỉnh thực hiện quy định mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam, bằng đô la Mỹ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 02/CT-NHNN
Ngày ban hành 07/09/2011
Ngày có hiệu lực 07/09/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Văn Bình
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ MỨC LÃI SUẤT HUY ĐỘNG BẰNG ĐỒNG VIỆT NAM VÀ BẰNG ĐÔ LA MỸ CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Trong thời gian qua, hầu hết tổ chức tín dụng đã thực hiện lãi suất huy động đồng Việt Nam và lãi suất huy động bằng đô la Mỹ cao hơn mức lãi suất quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2011/TT-NHNN) và Thông tư số 14/2011/TT-NHNN ngày 01/6/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 14/2011/TT-NHNN) dưới nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, vi phạm nghiêm trọng quy định tại 2 Thông tư nêu trên, tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro cho tổ chức tín dụng. Để bình ổn thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất phù hợp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu:

1. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

a) Thực hiện đúng mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và đô la Mỹ được quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN và Thông tư số 14/2011/TT-NHNN.

b) Tự kiểm tra, phát hiện những vi phạm về mức lãi suất huy động đồng Việt Nam và đô la Mỹ, chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của tổ chức tín dụng để xảy ra vi phạm, không chấp hành chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; đồng thời báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) các vi phạm và kết quả xử lý của tổ chức tín dụng.

c) Chủ động phát hiện và báo cáo về Ngân hàng Nhà nước những tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh vi phạm mức lãi suất huy động đồng Việt Nam và đô la Mỹ tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN, Thông tư số 14/2011/TT-NHNN.

2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố:

a) Tổ chức và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ các tổ chức và cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất huy động vốn theo quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN, Thông tư số 14/2011/TT-NHNN.

3. Biện pháp xử lý:

Đối với các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất huy động theo quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN, Thông tư số 14/2011/TT-NHNN, căn cứ quy định tại Khoản 12 Điều 4 và Khoản 2 Điều 59 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng biện pháp xử lý sau đây:

a) Đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng quy định tại Khoản 31 và Khoản 32 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 khi phát hiện tổ chức tín dụng vi phạm quy định về mức lãi suất huy động theo quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN, Thông tư số 14/2011/TT-NHNN. Người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng bị đình chỉ, miễn nhiệm không được đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tại chính tổ chức tín dụng đó trong thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày bị đình chỉ, miễn nhiệm.

b) Hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của tổ chức tín dụng trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bị xử lý.

c) Hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc tổ chức tín dụng đó.

4. Thẩm quyền xử lý:

a) Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại Mục 3 Chỉ thị này.

b) Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý quy định tại điểm a Mục 3 Chỉ thị này đối với người điều hành của Sở giao dịch, chi nhánh của tổ chức tín dụng trên địa bàn; người quản lý, người điều hành của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

5. Tổ chức thực hiện:

a) Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

b) Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên tổ chức tín dụng và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điểm b Khoản 5;
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam;
- Lưu: VP, Cơ quan TTGSNH, Vụ PC.

THỐNG ĐỐC




Nguyễn Văn Bình