Chỉ thị 02/2015/CT-UBND về tiếp tục tăng cường phối hợp và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Số hiệu | 02/2015/CT-UBND |
Ngày ban hành | 20/07/2015 |
Ngày có hiệu lực | 30/07/2015 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Dương |
Người ký | Trần Văn Nam |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2015/CT-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 20 tháng 07 năm 2015 |
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, đoàn thể, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm; tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án từng bước được kiện toàn, trình độ chuyên môn của chấp hành viên, cán bộ thi hành án được nâng lên; cải cách hành chính trong thi hành án được đẩy mạnh với những quy định về thủ tục thi hành án chặt chẽ; cơ sở vật chất của cơ quan thi hành án được tăng cường; Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc thi hành án lớn, phức tạp trên địa bàn tỉnh, Những kết quả trên đã góp phần không nhỏ vào việc giữ vững trật tự an toàn xã hội, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, tồn tại như: Số lượng việc thi hành án dân sự chuyển sang năm sau còn nhiều.
Để thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự, tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Cục Thi hành án dân sự tỉnh
a) Chủ động tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
b) Thực hiện các biện pháp kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đáp ứng vai trò, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện theo phân cấp quản lý công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
c) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên kiện toàn và duy trì họp Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh theo quy chế đã ban hành.
d) Phối hợp với các cấp ủy địa phương chủ động củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng, đoàn thể của các Chi cục trực thuộc.
đ) Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, tích cực xác minh, phân loại và tổ chức thi hành có hiệu quả các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; đề ra các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, khắc phục tình trạng việc thi hành án chuyển kỳ sau nhiều, hoàn thành các chỉ tiêu về thi hành án theo quy định của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự. Đồng thời chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh để có hướng giải quyết kịp thời.
e) Triển khai và tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Quy chế phối hợp liên ngành số 01/2014/QCLN/CTHA-VKSND-TAND-CA ngày 17/6/2014 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương và Công an tỉnh Bình Dương.
g) Thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án; không để đơn thư khiếu nại tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc hoặc khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.
Chủ trì, tham mưu giúp Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tiếp tục triển khai, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức và công dân trong việc chấp hành các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên trong thi hành án dân sự.
3. Các sở, ban, ngành có liên quan.
a) Công an tỉnh phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án, nhất là đối với những vụ việc phức tạp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an; hỗ trợ việc bảo đảm an toàn trụ sở, kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết hoặc khi có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
- Chỉ đạo trại tạm giam, nhà tạm giữ có trách nhiệm phối hợp, thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm biết nơi phạm nhân chấp hành án, thực hiện tốt việc thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính.
- Chỉ đạo cơ quan điều tra trong quá trình điều tra án áp dụng các biện pháp kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để hạn chế việc tẩu tán tài sản, đảm bảo hiệu quả việc thi hành án; thực hiện việc chuyển giao vật chứng và các tài liệu liên quan đầy đủ, kịp thời cho cơ quan thi hành án theo quy định của pháp luật.
b) Bảo hiểm xã hội tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Ngân hàng thương mại, Tổ chức tín dụng tăng cường công tác phối hợp thi hành án; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin số liệu và các tài liệu có liên quan về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án theo yêu cầu của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự và các Văn phòng Thừa phát lại. Thực hiện quyết định của cơ quan thi hành án và các Văn phòng Thừa phát lại về cưỡng chế trừ vào thu nhập, khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền của người phải thi hành án và phong tỏa tiền, tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và Ban quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện việc cung cấp thông tin, tài liệu về tình trạng pháp lý, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, xác nhận tài sản và nguồn thu nhập của người phải thi hành án cho các cơ quan thi hành án khi có yêu cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án có được thông tin về tài sản, nguồn thu nhập của người phải thi hành án để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành; thực hiện kịp thời việc tạm dừng chuyển dịch, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật.
d) Cục thuế tỉnh Bình Dương trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các phòng chuyên môn và Chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố kịp thời cung cấp thông tin về doanh nghiệp tính các loại thuế khi có yêu cầu của Chấp hành viên, Cơ quan Thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại.
đ) Sở Tài nguyên và Môi trường: chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở phối hợp với cơ quan thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại trong việc cung cấp thông tin, sao lục hồ sơ về tình hình sử dụng đất; thực hiện việc đo vẽ, trích lập bản đồ địa chính của tổ chức, cá nhân phải thi hành án; thực hiện việc chuyển dịch, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh xây dựng quy chế phối hợp trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người mua trúng đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự.
f) Trung tâm phát triển quỹ đất, Ban đền bù giải phóng mặt bằng và các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm cung cấp thông tin, sao lục hồ sơ và thực hiện quyết định khấu trừ tiền của người phải thi hành án đang do Trung tâm phát triển quỹ đất, Ban đền bù giải phóng mặt bằng và các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng đang thực hiện thanh toán tiền đền bù.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố.
a) Chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự cho các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự.
b) Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã và thành phố, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
c) Chỉ đạo các cơ quan ban, ngành, đoàn thể phối hợp tốt trong công tác thi hành án dân sự và các vụ, việc cưỡng chế thi hành án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.