Chỉ thị 02/2006/CT-UBND về tập trung phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
Số hiệu | 02/2006/CT-UBND |
Ngày ban hành | 09/01/2006 |
Ngày có hiệu lực | 19/01/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tiền Giang |
Người ký | Nguyễn Hữu Chí |
Lĩnh vực | Đầu tư |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
TIỀN GIANG |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2006/CT-UBND |
Mỹ Tho, ngày 09 tháng 01 năm 2006 |
VỀ TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp Tiền Giang đã có chuyển biến tích cực; nhiều dự án có qui mô khá, công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại đã được triển khai, đi vào hoạt động. Các sản phẩm công nghiệp hàng năm đều tăng về số lượng, chất lượng nhiều mặt hàng đã được nâng lên, thị trường trong và ngoài nước từng bước được mở rộng.
Năm 2005, ngành công nghiệp Tiền Giang tiếp tục phát triển, đạt giá trị sản xuất hơn hai ngàn sáu trăm tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 21,57% so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2001- 2005 tăng 17,28%/năm, nâng tỷ trọng khu vực II từ 15,3% năm 2000 lên 24,3% năm 2005 trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho trên 42.000 lao động thường xuyên và hàng chục ngàn lao động thời vụ, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn chưa thật sự phát triển bền vững, thu hút đầu tư vẫn còn ở mức thấp, công nghiệp chế biến chưa gắn chặt với phát triển vùng nguyên liệu đồng bộ, chặt chẽ, công nghệ hầu hết ở mức trung bình hoặc lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong điều kiện tỉnh ta gia nhập Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế các nước trong khu vực và trên thế giới phát triển với tốc độ cao; để tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII đã đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị tập trung thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, như sau:
I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
1. Mục tiêu
Từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo, ngành công nghiệp phải phát triển với tốc độ cao và bền vững; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 là trên 19%/năm, góp phần đưa khu vực II chiếm tỷ trọng 33% trở lên trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
2. Nhiệm vụ
2.1. Về quản lý nhà nước
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo Chỉ thị 09/2005/CT-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa”, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.
b) Tiếp tục bổ sung, xây dựng mới một số cơ chế khuyến khích đầu tư vào địa bàn tỉnh, đảm bảo tính công khai, minh bạch nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, kết cấu hạ tầng, dịch vụ… nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
c) Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển công nghiệp theo hướng xuất khẩu; tập trung đầu tư cho sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến rau quả, thủy sản và lương thực, thực phẩm, gắn phát triển công nghiệp với công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.
d) Đẩy mạnh công tác khuyến công, công tác tư vấn phát triển sản xuất, khởi sự doanh nghiệp, công tác dịch vụ tài chính, xúc tiến thương mại; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế dân doanh.
e) Nâng cao chất lượng, số lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhu cầu phát triển công nghiệp.
2.2. Về đầu tư phát triển công nghiệp
Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 – 2010, từ nay đến năm 2010phải thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp ít nhất khoảng 17.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo ít nhất là 500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, cùng với khu vực kinh tế có vốn của Nhà nước đáp ứng khoảng 10% vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp.
Đẩy mạnh sản xuất, chế biến các sản phẩm có khả năng cạnh tranh như: gạo, thủy sản chế biến, rau quả chế biến, quần áo may sẵn, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, linh kiện điện tử; tăng tỷ trọng tinh chế các sản phẩm xuất khẩu chiến lược chế biến từ thủy sản, rau quả, gạo.
Chú trọng phát triển công nghiệp sinh học, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường.
Khuyến khích các doanh nghiệp rà soát, giảm chi phí trên đơn vị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, tăng giá trị gia tăng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao vai trò quản lý và tay nghề cho người lao động; mở rộng thị trường hiện có và phát triển thị trường mới.
2.3. Về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị “thương hiệu tỉnh Tiền Giang", tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế (trong nước, nước ngoài) tham gia đầu tư phát triển công nghiệp, đáp ứng khoảng 90% tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp. Ưu tiên cho dự án đầu tư trong các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, hóa chất, công nghiệp hàng tiêu dùng và chế biến lương thực - thực phẩm…
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thường xuyên rà soát, đánh giá lại môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, sửa đổi cơ chế, cung cách phục vụ để tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư. Phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo về xúc tiến đầu tư, để kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh và quảng bá “thương hiệu tỉnh Tiền Giang”, trong đó, đặc biệt chú ý những địa phương có nhiều cơ hội như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ. Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ nguồn vốn xây dựng cơ bản, ưu tiên các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp. Phối hợp với Sở Tài chính đảm bảo cân đối kịp thời nguồn vốn đầu tư cho các khu công nghiệp và hỗ trợ tài chính cho các cụm công nghiệp cấp huyện theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất, triển khai xây dựng ít nhất 4 cụm công nghiệp theo quy hoạch ở các huyện, thành, thị như: Cụm công nghiệp Vàm Láng, Cụm công nghiệp Long Hưng, Cụm công nghiệp Tân Thuận Bình, Cụm công nghiệp - dịch vụ nghề cá Tân Mỹ Chánh và một số cụm công nghiệp khác khi có đủ điều kiện.